Việt Nam sắp có thêm loại hình chợ mới

Ngoài các mô hình chợ truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân, chợ tạm và chợ nông thôn, sẽ xuất hiện các hình thức chợ mới như điểm kinh doanh tự phát và chợ cộng đồng.

Theo Vụ Thị trường, Bộ Công Thương, tính đến cuối năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.

Việt Nam sắp có thêm loại hình chợ mới- Ảnh 1.

 

Để khắc phục các bất cập về đầu tư, quản lý chợ, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5/6/2024 về phát triển và quản lý chợ. 

Theo Nghị định, ngoài các mô hình chợ truyền thống như chợ đầu mối, chợ dân, chợ tạm và chợ nông thôn, sẽ có thêm các hình thức chợ mới như điểm kinh doanh tự phát và chợ cộng đồng. 

Mô hình chợ cộng đồng sẽ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa do người dân sản xuất, nuôi trồng và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, được cấp có thẩm quyền cho phép, nhằm phục vụ cộng đồng dân cư địa phương.

Với mô hình chợ đêm, Nghị định 60 cũng quy định đây là chợ được tổ chức tại khu vực, địa điểm được dành cho phát triển kinh tế đêm của địa phương, hoạt động trong khoảng thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Các chợ sẽ được phân loại thành 3 loại hình: Chợ hạng 1, chợ hạng 2 và chợ hạng 3 tùy theo diện tích và quy mô các điểm kinh doanh cũng như việc đầu tư xây dựng kiên cố, hay bán kiên cố. Các chợ cũng được phân loại theo vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do các nhà đầu tư triển khai.

Ngoài ra, Nghị định cũng có nhiều điểm mới về quản lý phát triển, đầu tư xây dựng chợ, cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Theo đó, Nghị định đã bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ, đưa ra các quy định về việc công khai thông tin niêm yết và lấy ý kiến của các bên liên quan khi di dời, xây dựng lại, xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; duy trì chợ tạm...

Nghị định cũng làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư… thay vì ban quản lý như trước đây. Bên cạnh đó, Nghị định cũng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính đối với quy định liên quan đến nội quy chợ, quản lý điểm kinh doanh tại chợ...

Nghị định số 60/2024/NĐ-CP gồm 5 Chương, 38 Điều và 2 Phụ lục, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Minh An (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/viet-nam-sap-co-them-loai-hinh-cho-moi-a14540.html