Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước đạt 3,042 triệu lượt, tăng 36,9% (cùng kỳ tăng 46,5%). Đây là kết quả tích cực, thể hiện sức hút của du lịch Hà Nội đối với du khách trong và ngoài nước.
Trong số lượng khách du lịch đến Hà Nội, khách quốc tế đạt 2,150 triệu lượt, tăng 48,4%; khách nội địa đạt 892 nghìn lượt, tăng 15,4%. Nhờ lượng khách du lịch tăng cao, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, Hà Nội sở hữu hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của du khách. Toàn thành phố có 4.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng, trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, với tổng số 26.641 phòng.
Bên cạnh cơ sở lưu trú, Hà Nội còn có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở vui chơi giải trí và 2 cơ sở chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống này đã và đang góp phần thu hút đông đảo du khách đến với Thủ đô.
Để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo.
Điển hình là việc khai trương tuyến du lịch với chủ đề "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội" và điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, huyện Ba Vì.
Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác những thế mạnh của Thủ đô như du lịch di sản, làng nghề gắn với thế mạnh của từng địa phương. Thực tế cho thấy, sau khi giới thiệu 16 tour đêm đặc sắc, du lịch Thủ đô đề xuất 2 sản phẩm du lịch đêm tại ngoại thành Hà Nội hoạt động theo mô hình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí, giới thiệu văn hóa ẩm thực tại xã Đông Xuân (Quốc Oai) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).
Sở Du lịch Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình; tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.
Các loại hình du lịch gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn cũng được triển khai; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối với các điểm du lịch dọc khu vực sông Hồng, tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - đền thờ Chử Đồng Tử…
Năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô phấn đấu đón 27 triệu lượt khách, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, Hà Nội vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, là “cửa ngõ” đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước; là điểm đến du lịch “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ phấn đấu một số chỉ tiêu phát triển cơ bản hồi phục bằng mức so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Về mục tiêu gia tăng lượng khách quốc tế, Hà Nội sẽ tập trung vào những thị trường trọng điểm như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ và từng bước khai thác hiệu quả các thị trường mới, tiềm năng như: Ấn Độ, các quốc gia Halal (theo đạo Hồi), Nam Mỹ, Australia…
Để làm được điều đó, Hà Nội sẽ tập trung các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch vui chơi giải trí - thể thao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf.
Thời gian qua, những nỗ lực của ngành du lịch Hà Nội đã được ghi nhận khi thành phố vinh dự nhận giải thưởng Điểm đến hàng đầu thế giới 2024 và Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024 từ nền tảng du lịch trực tuyến Tripadvisor.
Đây là những giải thưởng danh giá khẳng định vị thế của Hà Nội là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Huyền My
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/du-lich-ha-noi-but-pha-trong-6-thang-dau-nam-a14407.html