Tại Diễn đàn nâng cao năng suất lao động quốc gia ngày 26/5, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch công đoàn Công ty Changshin Việt Nam ở Đồng Nai, kiến nghị giảm thời gian làm việc trong tuần của lao động trong doanh nghiệp (khu vực tư nhân) cho phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực, tạo điều kiện cho lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, chăm lo cho gia đình.
Theo ông Tú, muốn thúc đẩy năng suất lao động thì doanh nghiệp cần đầu tư máy móc công nghệ hiện đại thay thế thủ công lạc hậu chứ không phải chỉ phụ thuộc giờ làm. Chính phủ cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện giảm thuế các mặt hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình nhập khẩu đơn giản và linh hoạt.
Với Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Tú đề nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Theo Bộ luật Lao động 2019, giờ làm việc của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Quy định này duy trì sau nhiều lần sửa luật, được cân nhắc trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp, phải kéo dài thời gian làm việc.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sớm thực hiện quy định về giảm số giờ làm việc bình thường đối với người lao động xuống mức thấp hơn 48 giờ/tuần.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động, các cơ quan nhà nước được nghỉ cả ngày thứ bảy nhưng doanh nghiệp không được nghỉ là không công bằng. Nếu thực hiện quy định này, người lao động ở khu vực doanh nghiệp sẽ được nghỉ làm ngày thứ bảy và chủ nhật (như khu vực hành chính) hoặc có thể chỉ làm nửa ngày thứ bảy như một số doanh nghiệp đang áp dụng.
Kết quả thống kê của Cục An toàn lao động năm 2019 Việt Nam có số giờ làm việc thuộc nhóm cao ở Đông Nam Á, trong khi ngày nghỉ lễ thuộc nhóm thấp nhất. Cụ thể, tính riêng thời gian làm việc trong năm của người Việt khoảng 2.320 giờ, thấp hơn Philippines, Malaysia, Thái Lan và cao hơn Singapore, Indonesia, Lào và Campuchia.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/de-xuat-giam-gio-lam-trong-doanh-nghiep-xuong-44-gio-a14283.html