Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, dự kiến đến hết tháng Sáu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài của các bộ ngành có thể đạt khoảng 15 - 17%, ở mức trung bình so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2023. Còn lũy kế giải ngân vốn của các địa phương tính đến giữa tháng Năm này là 5,7% kế hoạch vốn được giao, tuy đạt tỷ lệ giải ngân thấp, nhưng vẫn cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ năm 2023.
Giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài đã có chuyển biến hơn năm ngoái, nhưng vẫn không thoát được tình trạng đã diễn ra nhiều năm qua, là chậm trễ giải ngân trong nửa đầu năm. Do đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài cần những giải pháp hữu hiệu hơn, để tháo gỡ những vướng mắc cũ, đã lặp lại nhiều năm, cũng như những vướng mắc mới nảy sinh.
Bộ Tài chính cũng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ công tác giải ngân, như: Tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án đang triển khai, qua đó ghi nhận kịp thời các vướng mắc và khuyến nghị các giải pháp xử lý theo thẩm quyền; chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện kiểm soát chi và giải quyết đơn rút vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân tiếp tục chậm trễ vì những nguyên nhân không mới.
Bà Phạm Hồng Vân, Trưởng phòng Dự án trung ương, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết: “Chậm trong khâu đấu thầu, ký kết, hồ sơ trình đi trình lại mất nhiều thời gian. Vướng mắc thứ hai là nhiều dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay. Ba là, chậm nhận được ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ… Ngoài ra, các tháng đầu năm, một số bộ, ngành vẫn tập trung giải ngân nốt kế hoạch vốn 2023”.
Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân của nhiều dự án. Thủ tục giải phóng mặt bằng chậm khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên theo thời gian chờ đợi, làm chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh vốn, lại chờ nhà tài trợ chấp thuận điều chỉnh vốn, chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Là đơn vị có lượng vốn ODA năm 2024 được giao lớn nhất, và là một trong hai Bộ đến nay có tỷ lệ giải ngân hơn 10%, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải nêu thực tế: “Chúng tôi chủ yếu vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, như dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, vướng do đi qua khu vực nhiều rừng, thủ tục chuyển đổi rừng mất tới 1 năm rưỡi. Hai là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên khoảng 600 tỷ, phải làm lại thủ tục đầu tư. Trước mắt đã phân bổ 200 tỷ giải phóng mặt bằng”.
Một vướng mắc mới nổi lên là vấn đề thẩm định giá. Đại diện Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, các đơn vị thẩm định giá thiết bị từ chối thẩm định giá, khiến cả 3 tiểu dự án thành phần đều không thể triển khai được các gói thầu. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định, trong 6 tháng đầu năm, Bộ gần như không giải ngân được vốn ODA cho dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cho Đại học Đà Nẵng. Dự án có 13 hạng mục công trình, nhưng đến nay mới được Bộ Xây dựng thẩm định 7 hạng mục.
Chủ đầu tư phấn đấu đến tháng 9 mới có khối lượng giải ngân và trong điều kiện đấu thầu thuận lợi, cả năm nay dự kiến giải ngân được khoảng 350 tỷ đổng, có thể trả lại ngân sách 280 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ quan, như đến 15/5/2024, tỷ lệ kế hoạch vốn các địa phương đã phân bổ và nhập vào Hệ thống Thông tin Ngân sách và Kho bạc - Tabmis cho các dự án có vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương mới được gần 92% kế hoạch vốn, vốn vay lại mới phân bổ hơn 84% kế hoạch vốn.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính nhìn nhận: “Đa phần các dự án được các bộ cũng đã cam kết thực hiện theo tiến độ. Chúng tôi đề nghị các chủ dự án cũng như các bộ chủ quản tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền của mình để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các hợp đồng xây dựng, mua sắm để có thể có được khối lượng thanh toán. Về các nội dung thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính, chúng tôi cam kết phối hợp tháo gỡ. Hồ sơ giải ngân các chủ đầu tư cần cố gắng hoàn chỉnh theo quy định, gửi kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi và gửi Cục Quản lý nợ để gửi nhà tài trợ. Bộ Tài chính sẽ phối hợp nhà tài trợ để giải ngân sớm”.
X.Hải (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/vi-sao-ty-le-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nguon-vay-nuoc-ngoai-thap-a14280.html