Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vista) cho biết, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe.
Có đến hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh để đạt các chứng chỉ xanh uy tín như chứng chỉ LEED, LOTUS. Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn như EU siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trong xu hướng cạnh tranh mang tính toàn cầu của ngành dệt may, ngoài những vấn đề suy thoái kinh tế, nguồn lao động, chiến tranh, vốn... Bộ Công Thương đã lưu ý việc chuyển đổi xanh trong ngành may mặc khi phải cạnh tranh với 104 thị trường xuất khẩu, trong đó có các thị trường như châu Phi, Nga, Ấn Độ... Đặc biệt là Bangladesh, một trong những nước đang thực hiện chuyển đổi xanh khá tốt.
Trong năm 2023, một số đơn hàng của nước ta đã về tay Bangladesh vì quốc gia may mặc này đã xanh hoá chuỗi cung ứng nhanh chóng. Cụ thể, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), quốc gia này cũng có 500 nhà máy hiện đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.
Một trong những hạng mục đánh giá quan trọng của chứng nhận công trình xanh LEED từ Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ hay chứng nhận tòa nhà xanh LOTUS của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam là hạng mục năng lượng, trong đó chiếu sáng đóng một vai trò lớn.
Chiếu sáng xanh, chiếu sáng thông minh… là những giải pháp chuyển đổi xanh nhanh chóng và dễ thực hiện, có thể đo lường và định lượng hóa.
Chuyển đổi sang hệ thống chiếu sáng xanh có thể được xem là bước tiên phong, nền tảng, nhanh chóng, dễ thực hiện, thuận tiện đo lường trên hành trình chuyển đổi xanh với nhiều hạng mục khác nhau.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chủ động dành nguồn tiền để kiểm toán năng lượng, thay mới thiết bị, cập nhật công nghệ tiết kiệm điện của hệ thống chiếu sáng…
Điển hình như Tổng Công ty may Nhà Bè đã thay thế đèn TL5 truyền thống tại 2 phân xưởng sản xuất của tổng công ty thành 3.000 bóng đèn Philips MAS LEDtube 1200mm UO 14.7W 865 T8. Việc này giúp tổng công ty tiết kiệm được khoảng 22% điện năng tiêu thụ tại 2 phân xưởng sản xuất.
Tổng Công ty dệt may Hà Nội (Hanosimex) bố trí nhà xưởng, văn phòng làm việc sao cho tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, công ty đã đầu tư thay thế 14.636 bóng đèn huỳnh quang T10 và chấn lưu sắt từ bằng loại đèn T8 và chấn lưu. hoạt động này không chỉ tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện/năm, mà còn giúp công ty giảm phát thải khí CO2 tương đương 4.000 tấn/năm.
Hay như Tổng công ty May 10 (May 10) đầu tư 100% bóng đèn LED cho các dự án mới và thay thế bóng đèn huỳnh quang T8, T10 cho các đơn vị; tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách bố trí những cửa sổ để đón ánh sáng mặt trời cũng giúp tiết kiệm được rất nhiều điện năng cho chiếu sáng.
Không chỉ vậy, một loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng khác mà các doanh nghiệp đã áp dụng như: Cải tạo thông gió phòng máy nén khí, khắc phục rò rỉ khí nén, giảm áp suất cài đặt máy cho nén khí; Cải thiện hiệu suất lò dầu, lắp hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để gia nhiệt cho không khí cấp lò dầu; tối ưu hóa chế độ vận hành các máy móc thiết bị tiêu thụ điện của hệ thống lò hơi /lò dầu; Tăng cường bảo ôn nhiệt bề mặt nóng hệ thống dầu tải nhiệt, hệ thống hơi tải nhiệt; Thay thế máy nhuộm Jet (dung tỷ 1:10; tiêu thụ nước 45 lít/kg vải) bằng máy nhuộm tròn tiết kiệm nước (dung tỷ 1:5; tiêu thụ nước 24 lít/kg vải).
Như vậy, chiếu sáng xanh không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn định hình con đường chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh” cho mỗi doanh nghiệp. Qua đó, sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính thân thiện, bền vững với môi trường.
An Mai (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tang-tinh-canh-tranh-cho-nganh-det-may-bang-chieu-sang-xanh-a14148.html