Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực logistics diễn ra ngày 5/4, Bộ cho biết, tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hằng năm từ 14-16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 lên 638 tỷ USD.
Dịch vụ logistics Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập mạng lưới vận chuyển hiệu quả, kết nối thương mại trong nước với các thị trường quốc tế.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI-Logistics Performance Index), thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tối ưu hóa chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lập môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.
Tại cuộc họp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xác định dịch vụ logistics là dư địa để thành phố phát triển kinh tế, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố định hướng phát triển dịch vụ logistics thành lĩnh vực dịch vụ quan trọng của thành phố, đóng góp trên 10% GRDP của thành phố.
Còn bà Vũ Bích Hảo - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng bình quân dịch vụ logistics giai đoạn đến năm 2025 là 8%. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025 đạt bình quân 100 triệu tấn/năm.
Như vậy, đến thời điểm này đã có 45 tỉnh thành đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics (triển khai Quyết định 200/221); 47 tỉnh thành có báo cáo tình hình triển khai hoạt động logistics năm 2023; 9 tỉnh thành tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển dịch vụ logistics của tỉnh; 5 tỉnh thành tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ địa phương.
Để thúc đẩy lĩnh vực logistics, kiện toàn cơ chế quản lý, tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ logistics.
Ngày 30/6/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2023/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương. Theo đó, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Sở Công Thương về dịch vụ logistics.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành logistics, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; nhất là hướng dẫn chi tiết về quản lý nhà nước trong lĩnh vực logistics để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai, thực hiện.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương luôn đồng hành với các địa phương để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý Nhà nước liên quan đến hạ tầng logistics nhằm hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ logistics của cả nước nói chung và của các địa phương nói riêng.
Minh An (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bo-cong-thuong-dong-hanh-cung-dia-phuong-phat-trien-dich-vu-logistics-a14060.html