Đầu tư chế biến nông sản xuất khẩu

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD. Để cán đích thành công con số này, đồng thời thiết lập kỷ lục kim ngạch mới ở nhiều mặt hàng chủ lực, thì đầu tư cho chế biến nông sản xuất khẩu là giải pháp hiệu quả và quan trọng hàng đầu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp nông nghiệp đã từng bước lớn mạnh và quan tâm đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng nhà máy chế biến nông sản. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị kinh tế của nền nông nghiệp.

Tăng chế biến, nâng giá trị

Ông Đinh Cao Khuê-Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết: Nhiều năm qua, công ty đã xây dựng được những vùng nguyên liệu tập trung và các nhà máy chế biến rau quả hiện đại. Đơn cử, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai ở huyện Mang Yang trên diện tích gần 6 ha, quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam với tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại do Italia, Đức, Nhật Bản sản xuất. Hiện nay, Doveco Gia Lai có thể chế biến 300 tấn nguyên liệu chanh dây/ngày, 500 tấn dứa/ngày và 200 tấn xoài/ngày, và có thể chế biến hàng trăm tấn chuối, bơ, thanh long, bắp ngọt, đậu bắp, khoai lang… Nhờ chế biến sâu, sản phẩm của công ty đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, chinh phục các thị trường chất lượng cao như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil, Israel. Các sản phẩm rau quả xuất khẩu của Doveco Gia Lai đang dần khẳng định thương hiệu tại thị trường châu Âu và chiếm hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty; trong đó, tập trung vào các thị trường như: Hà Lan, Đức, Italia, Pháp, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Đây là năm thứ hai liên tiếp, rau quả chế biến xuất khẩu đạt mốc hơn một tỷ USD. Các sản phẩm chế biến chủ yếu là xoài, chanh dây, hạnh nhân, hạt dẻ cười, trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai với thị trường chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Gần đây, Trung Quốc cũng đã tăng nhập khẩu các mặt hàng này. Việc hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại là những nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng của lĩnh vực chế biến rau quả.

Đối với ngành hàng thủy sản, chế biến cũng đang được xác định là giải pháp quan trọng trên chặng đường vượt khó lấy lại đà tăng trưởng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, với mặt hàng tôm chủ lực, hiện sản phẩm chế biến chiếm 40-45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hằng năm. Khi công nghệ chế biến ngày càng phát triển, nhu cầu từ các thị trường gia tăng, việc phát triển các sản phẩm tôm chế biến càng cần được thúc đẩy. Hiện nay, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt Nam thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh rất lớn. Nếu phát triển mạnh hơn nữa mảng tôm chế biến xuất khẩu thì kim ngạch mặt hàng này sẽ vượt xa con số 3,38 tỷ USD của năm 2023.

Là một trong những công ty đi đầu xuất khẩu tôm chế biến, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN) đang là nhà cung cấp tôm Việt Nam hàng đầu cho Nhật Bản, lớn thứ 5 cho Mỹ và thứ 9 cho Hàn Quốc.

Chủ tịch Hội đồng quản trị FIMEX VN Hồ Quốc Lực cho biết, công ty đang tiếp tục cải tiến đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu, gia tăng giá trị cho tôm với các sản phẩm chính như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi… Tuy nhiên, ngoài công nghệ chế biến, doanh nghiệp cần quan tâm đến công nghệ đóng gói sản phẩm chế biến. Nếu trước đây chủ yếu là máy hút chân không, thì nay phổ biến là máy đóng gói theo thị hiếu người tiêu dùng đối với từng mặt hàng, như: Máy đóng gói skin-packed, top-sealed, đóng gói định lượng... Dù chi phí cho các loại máy này không rẻ nhưng doanh nghiệp chế biến cần nghiên cứu trang bị để duy trì cuộc đua trên thương trường.

Đầu tư chế biến nông sản xuất khẩu ảnh 1

Chế biến cà-rốt xuất khẩu tại Công ty cổ phần AMEII Việt Nam (tỉnh Hải Dương). (Ảnh ĐỨC ANH)

Đầu tư để bắt kịp xu thế

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe, khi tăng trưởng sản lượng nuôi trồng chỉ có giới hạn thì chế biến sản phẩm giá trị gia tăng sẽ trở thành xu thế, giúp đạt được các mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tương lai. Từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành Chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch và ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho vùng nuôi thủy sản tập trung; tổ chức lại nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết sản xuất để tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng, an toàn thực phẩm, quy mô hàng hóa lớn cho hoạt động chế biến. Trong chế biến, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực, như: Tôm, cá tra, cá ngừ, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ rong tảo biển và phụ phẩm; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hóa dược; nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm có giá trị kinh tế từ phụ phẩm như: nguyên liệu làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi, phân bón...

Cùng với thủy sản và rau quả, cà-phê cũng đang là mặt hàng nằm trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao, đạt 4,18 tỷ USD năm 2023. Dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà-phê có thể đạt con số 5 tỷ USD. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà-phê nhân, khoảng 91% về sản lượng, 85% về giá trị, trong khi cà-phê chế biến còn ít. Chính vì vậy, chế biến sâu trong lĩnh vực cà-phê cũng cần được quan tâm đầu tư hơn nữa.

Hiện một số doanh nghiệp đã phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ cà-phê theo thị hiếu và xu thế tiêu dùng mới, như các sản phẩm cà-phê trái cây Meet more của Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, là: Cà-phê hòa tan vị bạc hà, khoai môn, dừa, đậu xanh… Sản phẩm đã có mặt trên thị trường Australia, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Hàn Quốc... Đây là một hướng đi mới, góp phần gia tăng giá trị cho ngành hàng tiềm năng này của Việt Nam.

Về xu thế phát triển chung của lĩnh vực chế biến nông sản, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng: Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các quốc gia và khu vực, mang lại nhiều lợi thế về thị trường và thuế quan cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Để nắm bắt cơ hội và tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực chế biến. Các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các địa phương, các vùng, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu.

Ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm không nhiều (chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước) nhưng đây lại là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và sản xuất rau củ quả chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh nghiệp ngành sản xuất chế biến thực phẩm; ngành chế biến thủy sản đông lạnh là ngành thu hút nhiều lao động nhất.

Theo Nhandan.vn

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/dau-tu-che-bien-nong-san-xuat-khau-a14043.html