Quy chế đấu thầu dịch vụ bảo hiểm: “PVN cần thực hiện nghiêm pháp luật về đấu thầu”

Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) qua đó đề nghị PVN cần “thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Theo đó, sau khi PVN ban hành “Quy chế sử dụng dịch vụ bảo hiểm để quản lý rủi ro cho con người, tài sản, dự án, quyền lợi và hoạt động” có nhiều nội dung được cho là “hạn chế nhà thầu tham gia”, Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 116/QLĐT-CS ngày 07/02/2020 gửi PVN.

Quyết định 6097/QĐ-DKHK  của PVN

Cần bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế

Theo đó, tại văn bản số 116/QLĐT-CS ngày 07/02/2020 gửi PVN, nêu quan điểm về những phản ánh liên quan đến Quyết định 6097/QĐ-DKHK có dấu hiệu “hạn chế nhà thầu”, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng: Trường hợp hoạt động mua bảo hiểm của PVN thuộc dự án đầu tư phát triển thì trong hồ sơ mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng (khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).

Văn bản của Cục Quản lý đấu thầu về những phản ánh liên quan đến
 Quyết định 6097/QĐ-DKHK của PVN

“Việc ban hành các quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của PVN song phải đảm bảo mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Trường hợp PVN quy định hoạt động mua bảo hiểm của PVN phải thực hiện đấu thầu rộng rãi nhưng hồ sơ mời thầu lại đưa ra các tiêu chí đánh giá nhằm hướng tới một hoặc một số ít nhà thầu cụ thể hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số ít nhà thầu thì việc đấu thầu rộng rãi không còn ý nghĩa, chỉ mang tính hình thức và có thể dẫn đến không bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”, Cục Quản lý đấu thầu nêu quan điểm.

Từ những lý lẽ trên, Cục Quản lý đấu thầu cho rằng: “PVN cần cân nhắc việc đưa ra các tiêu chí đánh giá để không hạn chế sự tham gia của nhà thầu khi tham dự thầu các gói thầu bảo hiểm của PVN” đồng thời cảnh báo: “PVN thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”.

Quy chế “nhiều bất cập”?

Luật sư Lê Đức Thắng - Trưởng Văn phòng Luật sư Lê & đồng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Quyết định số 6097/QĐ-DKVN ngày 24/10/2019 của Tập đoàn Dầu khí là một quyết định mang tính định hướng chung áp dụng cho toàn hệ thống, từ bất kỳ đơn vị nào mà tập đoàn dầu khí có góp vốn. Quy chế có nội dung vô cùng chi tiết, đi ngược định hướng chung, mà quy chế này mang tính áp đặt.

Công văn của TPI gửi các cơ quan chức năng

Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 5 của Quy chế 6097 quy định “Loại hình bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm... mức phí bảo hiểm... Bắt buộc phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn”. Theo Luật sư Thắng, quy định này chưa thực sự chính xác vì: Theo quy định tại Khoản 1, 2, Phụ lục I, Nghị định 23/2018/NĐ-CP và Điểm a, b, Khoản 1, Điều 7, Nghị định số 23/2018/NĐ-CP thì: Có loại bảo hiểm vẫn được thoả thuận điều kiện điều khoản và phí bảo hiểm dù đó là bảo hiểm bắt buộc, như: Số tiền bảo hiểm vượt quá quy định... và điều khoản bảo hiểm có thể tốt hơn quy định chung...

Quy định tại Khoản 2, Điều 5 của Quy chế 6097 quy định giới hạn các tiêu chí, yêu cầu bắt buộc phải đạt “tối thiểu” các tiêu chí thì bản chất và thực tế trên thị trường bảo hiểm, chỉ có duy nhất 1 nhà bảo hiểm thoả mãn tất các các tiêu chí, đó là PVI.

Có thể phân tích cụ thể một tiêu chí trong tổng số các tiêu chí bắt buộc quy định tại Khoản 2, Điều 5, Quy chế 6097 của Tập đoàn Dầu khí để thấy rõ sự “hạn chế” và “loại bỏ” các nhà thầu bảo hiểm có năng lực tài chính mạnh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay như sau: Mục c quy định liên quan đến xếp hạng tài chính của các nhà cung cấp bảo hiểm (bao gồm cả nhà bảo hiểm gốc và nhà tái bảo hiểm) thì đi sâu tìm hiểu đánh giá và xếp hạng trên thị trường bảo hiểm VN hiện nay có 6 nhà cung cấp có chứng nhận, gồm 4 nhà bảo hiểm gốc và 2 nhà tái bảo hiểm (gốc: PVI, BIC, Pjico và Bảo Minh; tái: PVIRE và Vinare).

“Với tiêu chí này đã loại ngay nhà bảo hiểm được xếp hạng trong nước là lớn nhất Việt Nam hiện nay, đó là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Việt. Trong khi đó, bản chất của việc đánh giá, xếp hạng theo thông lệ quốc tế, chỉ áp dụng đối với hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm, chưa áp dụng với hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc. Ngoài ra, tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm gốc làm xếp hạng để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài, đây là điều kiện gần như bắt buộc phải có. Vì vậy, đây không phải là quy định thực sự để có thể lựa chọn ra nhà bảo hiểm có khả năng tài chính tốt trong bối cạnh thị trường bảo hiểm Việt Nam”, Luật sư Thắng phân tích.

Không chỉ vậy, Luật sư Lê Đức Thắng cho rằng, quy định tại khoản 2, Điều 6, Quyết định 6097 tiếp tục đưa ra các tiêu chí rào cản kỹ thuật để hạn chế nhà thầu trong nước, càng cụ thể rõ hơn sự “ngầm chỉ định” cho duy nhất 1 nhà bảo hiểm PVI. Cụ thể, tại mục b, khoản 2, Điều 6 quy định: “Nhà cung cấp bảo hiểm phải có kinh nghiệm đàm phán và đàm phán thành công với doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế nhận tái bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế nhận tái bảo hiểm đối với các giao dịch còn lại”. Với quy định này thì tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước ngoài PVI là dưới 5% đối với các dịch vụ bảo hiểm phát sinh trong ngành dầu khí trong tương lai.

Hay tại mục c, Khoản 2, Điều 6 quy định về việc phải có xác nhận bản gốc của các nhà tái bảo hiểm cho 100% dịch vụ thì với đặc trưng riêng có của ngành bảo hiểm, nhà tái bảo hiểm chỉ làm việc chính thống với công ty bảo hiểm gốc, và đây là một hoạt động độc lập, họ không phải chịu trách nhiệm trước khách hàng, mà họ chỉ chịu trách nhiệm trước công ty bảo hiểm gốc theo thoả thuận đã ký. Và theo thông lệ ngành bảo hiểm trên toàn thế giới, khi tham gia nhận chung một đơn bảo hiểm từ nhà bảo hiểm gốc, các nhà tái bảo hiểm chia ra: Công ty tái bảo hiểm đứng đầu (Leader) và các công ty tái bảo hiểm còn lại (Follower) – Trong trường hợp một đơn bảo hiểm có từ 2 công ty tái bảo hiểm nhận dịch vụ trở lên. Khi đó, điều kiện bảo hiểm, phí bảo hiểm cho đơn bảo hiểm đó sẽ do công ty tái bảo hiểm đứng đầu quy định,  các nhà tái bảo hiểm còn lại sẽ thực hiện theo và chỉ xác nhận mức trách nhiệm theo tỷ lệ. Do đó, chỉ cần nhà tái bảo hiểm đứng đầu xác nhận: Điều kiện điều khoản bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, tỷ lệ nhận tái bảo hiểm bằng bản gốc... là hoàn toàn đúng luật và không có rủi ro, đảm bảo tính khách quan và công bằng.

“Căn cứ vào Điều 27, Luật Kinh doanh Bảo hiểm; Khoản 1, Điều 6 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Khoản 6, Điều 3 Thông tư 50/2017/TT-BTC; Khoản 2, Điều 42, Nghị định 73/2016/NĐ-CP; Khoản 2, Điều 90 Nghị định 73; Mục 2, Chương III, Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT; Khoản 1, Điều 65 Luật Đấu thầu; Khoản 2, 35, Điều 4 Luật  Đấu thầu, luật sư Thắng khẳng định: Quy chế nội bộ 6097/QĐ-DKVN ngày 24/10/2019 đã làm hạn chế quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, luật đấu thầu, luật cạnh tranh; Vi phạm luật cạnh tranh khi toàn bộ tiêu chí đưa ra chỉ có duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm đáp ứng”, Luật sư Thắng nhận định.

Theo PV (Thương hiệu & Công luận)

"https://thuonghieucongluan.com.vn/quy-che-dau-thau-dich-vu-bao-hiem-pvn-can-thuc-hien-nghiem-phap-luat-ve-dau-thau-a87875.html"

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/quy-che-dau-thau-dich-vu-bao-hiem-pvn-can-thuc-hien-nghiem-phap-luat-ve-dau-thau-a1404.html