Chia sẻ tại chương trình tập huấn "Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tăng cường khả năng tiếp cận vốn", sáng ngày 29/3, Ths Trần Văn Hiển - Phó Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) cho biết, hiện cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do không có tài sản bảo đảm; có tài sản bảo đảm nhưng giá trị tài sản thấp. Tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản bảo đảm thấp, khoảng 50 – 60%.
Đặc biệt, DNNVV rất khó tiếp cận vốn vay tín chấp do dự án của doanh nghiệp có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy. Doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh và dự báo tài chính từ 3 - 4 năm.
"VINASME có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp giải quyết khó khăn về tín chấp và kế hoạch kinh doanh, dự báo tài chính. Từ đó, doanh nghiệp có thể đạt được điểm xếp hạng tín nhiệm phù hợp để đi vay hoặc nhận bảo lãnh tử quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác", ông Hiển cho biết.
Cũng theo ông Hiển, việc xếp hạng tín nhiệm DNNVV dựa vào Điều 8 (Hỗ trợ tiếp cận tín dụng) tại Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, luật quy định hỗ trợ tính dụng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm DNNVV.
TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME tại Chương trình tập huấn Xếp hạng tín nhiệm DNNVV đánh giá, chương trình tập huấn sẽ giúp cho doanh nghiệp dần tiếp cận đến các tiêu chí đánh giá và xếp hạng tín nhiệm. Từ đó, doanh nghiệp nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để hoàn thiện, cái tiến quy trình nhằm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dễ tiếp cận đến các quỹ tín dụng. Đối với các Ngân hàng thương mại thì việc xếp hạng tín nhiệm sẽ là kênh thông tin quan trọng, minh bạch nhằm căn cứ trong việc xét duyệt doanh nghiệp vay vốn.
"Để đề án xếp hạng tín nhiệm DNNVV được triển khai sâu rộng và mang lại giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không thể thiếu được sự hỗ trợ, đồng hành của một số bộ, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Như ACCA, Vietinbank, FiinRatings, Viện Nghiên cứu phát triển thị trường tài chính Bất động sản toàn cầu và một số tổ chức, cá nhân khác. Đặc biệt, là sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là đối tưởng được thụ hưởng kết quả của đề án mang lại", ông Nam nói.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh – Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Hoàng Mai, VietinBank dành 50.000 tỷ đồng cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, xử lý nước, xử lý rác thải chính sách ưu đãi thúc đẩy tài chính bền vững (GREEN UP 2024).
VietinBank chủ động dành nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngân hàng có ưu đãi lãi suất, tỷ giá, phí dịch vụ cũng như ưu tiên về trình tự, thời gian xử lý hồ sơ.
Với thủ tục đơn giản, ngân hàng đang chủ động hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh.
"Hiện nay, danh mục tài trợ của VietinBank đã tăng trưởng gần 400% với gần 50.000 tỷ đồng cho các dự án liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, xử lý nước, xử lý rác thải", bà Hạnh cho biết.
Theo Đề án, xếp hạng tín nhiệm DNNVV bao gồm 4 tiêu chí.
Tiêu chí 1 về quản lý tài chính: các số liệu trong báo cáo tài chính.
Tiêu chí 2 về quản trị doanh nghiệp: năng lực, trách nhiệm của người quản lý.
Tiêu chí 3 về đánh giá tính khả thi của các dự án sản xuất, kinh doanh: tính khả thi của dự án kinh doanh, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.
Tiêu chí 4 về trách nhiệm với cộng đồng, xã hội: phát triển doanh nghiệp nhưng có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm DNNVV còn gặp không ít khó khăn liên quan đến việc xây dựng bộ chỉ số bảo đảm phù hợp với 3 đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; cách thức tiếp cận, triển khai xếp hạng tín nhiệm và nguồn kinh phí để thực hiện.
Để hỗ trợ DNNVV tăng cường khả năng tiếp cận vốn, VINASME đã đưa ra Kế hoạch triển khai xếp hạng tín nhiệm DNNVV năm 2024 theo các bước sau:
- Thường trực Hiệp hội phê duyệt đề án (qúy I/2024).
- Tham vấn tổ chức, cá nhân, chuyên gia hoàn thiện, phương pháp xếp hạng tín nhiệm, trong đó có Bộ tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cho DNNVV (quý II/2024)
- Tiến hành triển khai xếp hạng tín nhiệm khoảng 100 DNNVV (quý III, IV/2024).
- Đánh giá, điều chỉnh và nhân rộng mô hình (quý IV/2024).
Kết quả xếp hạng này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp DNNVV có thể đi vay hoặc nhận bảo lãnh tử quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác. Qua đó, thúc đẩy và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Nhật Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/xep-hang-tin-nhiem-doanh-nghiep-nho-va-vua-tang-cuong-kha-nang-tiep-can-von-a14030.html