Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa gửi xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động năm 2024.
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng 6% so với mức hiện hành, để áp dụng từ ngày 1/7/2024, trùng với phương án Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất khuyến nghị Chính phủ.
Trong đó, quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng. Nếu được thông qua, lương vùng 1 sẽ tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,41 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,86 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,45 triệu đồng/tháng. Lương hiện hành các vùng đang dao động từ 3,25 - 4,68 triệu đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu nêu trên tăng từ 200.000 đồng - 280.000 đồng (tương ứng tỷ lệ bình quân 6%) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024, để cải thiện cho người lao động.
Theo Bộ LĐTBXH, mức đề xuất trên cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025. Đồng thời thể hiện sự chia sẻ, hải hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp (DN), vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của DN.
Phương án này trước đó đã được 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.
Cùng với lương tối thiểu tháng, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động từ 16.600 - 23.800 đồng. Theo đó, vùng 1 nâng lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng. Mức lương tối thiểu giờ tiếp tục được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng, và thời gian làm việc tiêu chuẩn.
“Phương án lương tối thiểu được đề xuất như trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN” - Bộ LĐTBXH đánh giá.
Đối với người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp hơn mức lương tối thiểu, thì được điều chỉnh lại, để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới.
Đối với người lao động đã được trả lương bằng, hoặc cao hơn với mức lương tối thiểu mới, thì việc điều chỉnh thực hiện theo các cam kết, thoả thuận của các bên ghi trong thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế của doanh nghiệp.
Như vậy, nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai trong 4 năm lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng 7, sau kỳ điều chỉnh hồi 1/7/2022 theo Nghị định số 38/2022/NĐ- CP do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu để áp dụng cho năm 2024 là rất cần thiết, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, tăng tiền lương của người lao động phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đồng thời, có cập nhật, điều chỉnh phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu cho phù hợp tình hình thực tế.
Thời điểm tăng từ ngày 1/7/2024, đồng bộ với chủ trương thực hiện cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, đảm bảo thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực thực hiện.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/luong-toi-thieu-vung-nam-2024-du-kien-tang-tu-200000-280000-dong-a14004.html