Sản xuất công nghiệp 02 tháng đầu năm đã cho thấy những tín hiệu tích cực, khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp khi tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 5,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Thế nhưng, 51,5% doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn vay. Khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng đối với 2.734 doanh nghiệp cho thấy, đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn, niềm tin của DN đã dần trở lại, nhưng cần phải nuôi dưỡng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp.
Mặc dù kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đã tươi sáng hơn trong năm 2024, nhưng đa số doanh nghiệp vẫn cho rằng, khó khăn và thách thức doanh nghiệp (DN) vẫn nằm ở đơn hàng chiếm 59,2% số DN được khảo sát; khó khăn trong tiếp cận vốn vay chiếm tới 51,5% số DN, còn lại là nhữngvướng mắc về thủ tục hành chính 45,3%; thông tin thị trường 27,7%…
Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân Phạm Thị Ngọc Thủy thông tin, vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh, nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với DN chưa tích cực, khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế.
“Đánh giá của DN về khả năng tiếp cận vốn trong năm 2024 có cải thiện về nhận định. Tuy nhiên đa số các kiến nghị tập trung vào việc giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của DN, khả năng tiếp cận vốn vay, tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, bà Thủy lưu ý.
Ở góc độ các DN sản xuất công nghiệp, ông Đoàn Mạnh Hải, Giám đốc Công ty chế tạo cơ khí Mạnh Hải (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) chia sẻ, các khoản vay tại các ngân hàng tư nhân lãi suất vẫn cao. Năm 2023 DN vừa không có đơn hàng vừa phải trả lãi suất cao, phải quay vòng thanh toán với ngân hàng để tránh nợ xấu. Từ cuối năm 2023 đến nay, đơn hàng đã tăng lên nhưng DN lại cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm nên khó khăn về vốn lại tái diễn.
“DN kiến nghị các ngân hàng nên có nguồn vốn cho vay sản xuất với lãi suất thấp cùng điều kiện vay không quá khó khăn. Ngân hàng nên nhìn vào khả năng trả nợ trong tương lai, hoặc đánh giá hiệu quả mô hình kinh doanh để giúp các DN nhỏ có vốn sản xuất”, ông Hải bày tỏ.
Còn ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) lại đề cập, vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng phải làm mạnh hơn nữa ở các cấp địa phương. Bởi nhiều hoạt động hành chính, tiến độ giải ngân nguồn vốn chưa hiệu quả, khiến các DN mất nhiều cơ hội đầu tư phát triển như các thủ tục liên quan đến đất đai, hạ tầng và nguồn vốn.
Nhiều chuyên gia và đại diện các hiệp hội ngành hàng cũng nêu quan điểm, để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao, Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng và các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nhất là các chính sách giúp DN thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao.
Xuân Hải (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/vi-sao-van-co-515-doanh-nghiep-gap-kho-trong-tiep-can-von-vay-a13984.html