Hà Tĩnh viên ngọc thô của ngành "Công nghiệp không khói".

Du lịch Hà Tĩnh trong năm 2023 với nhiều kết quả đáng mừng. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL năm 2023, tổng lượt khách tham quan đạt 3.361.000 lượt khách (tăng 110% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 34% so với kế hoạch cả năm 2023). Khách lưu trú quốc tế là 14.661 lượt (tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97,7% so với kế hoạch năm 2023); khách lưu trú nội địa là 897.651 lượt (tăng 180 % so với cùng kỳ năm 2022, tăng 79,5% so với kế hoạch cả năm 2023).

1

Hội nghị xúc tiến du lịch 03 tỉnh: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023.

Hà Tĩnh xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong phát triển KT-XH. Là tỉnh nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây với nước CHDCND Lào, Thái Lan, Myanma và các nước khác trong khối ASEAN, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp; các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với cảnh quan hùng vĩ, đa dạng sinh học.

Với thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa, Hà Tĩnh là vùng có tiềm năng du lịch khá toàn diện, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như núi Hồng, sông La, đèo Ngang, dãy Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, vườn quốc gia Vũ Quang, … là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử, văn hóa như di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, chùa Hương Tích, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc... Hà Tĩnh còn có rất nhiều địa danh khác gắn với những câu chuyện đầy sức hấp dẫn như: núi Nam Giới cùng bãi biển Quỳnh Viên (xã Thạch Hải, Thạch Hà) gắn với câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung tầm sư học đạo, thác Vũ Môn (Hương Khê) với câu chuyện cá chép hóa rồng…

2

Chùa Hương Tích, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một trong nhiều điểm du lịch hút khách.

Những năm gần đây, du lịch Hà Tĩnh có những bước phát triển mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được đảm bảo.

Có thể khẳng định, hạ tầng là điều kiện cần để đặt nền tảng khai thác một điểm du lịch. Vì vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử và tâm linh; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng được hoàn thiện, thu hút đông đảo du khách.

Hệ thống đường tỉnh lộ được đầu tư xây dựng và nâng cấp như: Tỉnh lộ 4 (từ thị trấn Cẩm Xuyên đi Thiên Cầm), tỉnh lộ 22 (từ thị trấn Nghi Xuân đi Xuân Thành), tỉnh lộ 9 (từ TP Hà Tĩnh đi Lộc Hà), tỉnh lộ 19/5 (từ Thạch Hải đi Thiên Cầm), các tuyến đường nối QL1A với Thạch Khê và đặc biệt là tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng... mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh nói chung và ngành kinh tế du lịch nói riêng. Nhiều tuyến đường vào các di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống cũng được nâng cấp, mở rộng.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án được đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch đi vào hoạt động như: Trung tâm thương mại cao cấp Vincom Plaza Hà Tĩnh; công viên nước Vinpearlland Water Park Hà Tĩnh của Vingroup; tổ hợp dịch vụ sân gôn 18 lỗ, thể thao giải trí, trường đua chó Xuân Thành. Khu du lịch sinh thái Hải Thượng... góp phần làm cho diện mạo ngành du lịch tỉnh nhà được cải thiện đang kể, không ngừng thu hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng.

3

Nhiều bãi biển của tỉnh Hà Tĩnh vẫn giữ được nét đẹp hoang sơ, hấp dẫn

Là một tỉnh sở hữu đường bờ biển trải dài với những bãi tắm còn mang nét hoang sơ như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Quỳnh Viên - Lê Khôi, Thạch Hải, Đèo Con, Thạch Bằng, Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, lễ hội chùa Chân Tiên, lễ hội cầu sức khỏe tại quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác…

Ông Bùi Xuân Thập, TUV - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, cho biết năm vừa qua Sở đã triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Tĩnh. Tổ chức khoá cập nhật kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch nội địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Tổ chức hội nghị tập huấn chuyển đổi số trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2023. Tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao và du lịch. Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Trị xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng giai đoạn 2024-2025.

Tỉnh Hà Tĩnh xác định “phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” là 1 trong 5 chương trình trọng điểm; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hình du lịch là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm. Để phát triển ngành du lịch xứng tầm với sứ mệnh và kỳ vọng, bên cạnh tiếp tục phát huy cách làm tích cực của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh và một số địa phương trong thời gian gần đây, cần tạo sự chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của người đứng đầu các cấp và sự tham gia tích cực của người dân.

Theo Môi Trường Và Xã Hội

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ha-tinh-vien-ngoc-tho-cua-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-a13899.html