Tham dự hội thảo có đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh; các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Trung ương và địa phương.
Thanh Hóa là vùng đất có điều kiện tự nhiên đặc biệt, có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa rất đáng tự hào. Hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng, những truyền thuyết, giai thoại văn hóa dân gian, dân ca, dân vũ, trò diễn ra đời từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện cùng hàng trăm lễ hội đã mang lại cho người dân xứ Thanh những nét đặc trưng rất riêng. Không chỉ vậy, thiên nhiên còn ban tặng cho vùng đất xứ Thanh nhiều cảnh quan hùng vĩ tạo nên những khu du lịch sinh thái lý tưởng như: Vườn quốc gia Bến En, Pù Luông, Pù Hu, Tam Quy, Suối cá thần Cẩm Lương...
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu trong cả nước; các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện, Viện nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn di sản...Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 bài tham luận của các tác giả, trong đó có 57 bài tham luận đã được lựa chọn đưa vào kỷ yếu hội thảo.
Các bài viết tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính: Văn hóa truyền thống xứ Thanh với phát triển bền vững; Đa dạng văn hóa xứ Thanh với phát triển bền vững; Chính sách, nguồn lực, giải pháp thúc đẩy văn hóa xứ Thanh với phát triển bền vững.
Ban tổ chức cũng đã sắp xếp 3 tiểu ban thảo luận chuyên sâu tương ứng với 3 nhóm chủ đề của hội thảo. Các tiểu ban được điều hành bởi các giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều bài tham luận trong các tiểu ban có nội dung và ý nghĩa khoa học sâu sắc.
Tại hội thảo, các bài tham luận tập trung nhấn mạnh tính đa dạng của văn hóa, sự giàu có về di sản văn hóa của Thanh Hóa. Nhiều di sản được xếp hạng Di sản văn hóa Thế giới như: Thành nhà Hồ; di sản quốc gia đặc biệt như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, Đền Lê Hoàn, thắng cảnh Sầm Sơn... Nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị như: Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Mường Xia, Hát sắc bùa của người Mường, lễ hội Trò Chiềng (Yên Định), Trò diễn Xuân Phả, lễ hội Pồn Pôông...
Phát biểu tai hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định ý nghĩa của Hội thảo khoa học quốc gia "Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững" trong việc đóng góp xây dựng các chính sách về bảo tồn văn hóa; đồng thời góp phần tuyên truyền, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người xứ Thanh trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đồng chí Phó chủ tịch tỉnh mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các chuyên gia sẽ tiếp tục có những đóng góp, hỗ trợ nhiều hơn nữa, không chỉ trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác để tỉnh Thanh Hóa bứt phá mạnh mẽ, hoàn thành mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực phía Bắc và cả nước.
Hội thảo khoa học quốc gia "Xứ Thanh - Đa dạng văn hóa và phát triển bền vững" được xem là một diễn đàn khoa học để các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên chia sẻ, công bố kết quả nghiên cứu khoa học mới; Tạo diễn đàn học thuật để thảo luận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa hướng tới phát triển bền vững của tỉnh Thanh Hóa trong bối cảnh hiện nay; Đào tạo kiến thức và kỹ năng cho sinh viên trong nghiên cứu khoa học; Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và quảng bá thương hiệu giáo dục của nhà trường đến các trường đại học trong nước và các đối tác của trường.
Yến Hoàng
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-xu-thanh-da-dang-van-hoa-va-phat-trien-ben-vung-a13774.html