Huyện Hoằng Hóa: Hài hòa kinh tế và văn hóa - xã hội tạo tiền đề cho phát triển bền vững

Trên cơ sở Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Hoằng Hóa đặt ra mục tiêu: Phát triển văn hóa - xã hội hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; trong đó, lấy việc bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm. Đây vừa là mục tiêu, vừa là tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu, huyện Hoằng Hóa xác định, nâng cao chất lượng văn hóa là một trong những chương trình trọng tâm cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của huyện; trọng tâm là xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng làng, xã, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Đặc biệt, chú trọng xây dựng và triển khai Đề án "Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất hiếu học, tốt đẹp của người Hoằng Hóa đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế". Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa, hình ảnh của vùng đất và con người Hoằng Hóa đến với bạn bè trong và quốc tế.

Cùng với đó, Hoằng Hóa chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa, các tiêu chí xây dựng gia đình thôn, xã, khu phố, đơn vị, cơ quan văn hóa cho phù hợp với tình hình mới.

Huyện Hoằng Hóa: Hài hòa kinh tế và văn hóa – xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững - Ảnh 2.

Đường điện chiếu sáng tại huyện Hoằng Hóa

Đồng thời, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng văn hóa công sở; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về đạo đức xã hội. Đẩy mạnh xây dựng tập thể, cá nhân kiểu mẫu; phấn đấu tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan đạt tiêu chí kiểu mẫu.

Để nâng cao chất lượng văn hóa, giai đoạn 2021-2023, ngay từ đầu giai đoạn thực hiện UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản quy hoạch phát triển văn hóa. Cụ thể: Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích xếp hạng, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023-2025; kế hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích xếp hạng, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoằng Hóa năm 2023.

Huyện Hoằng Hóa: Hài hòa kinh tế và văn hóa – xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững - Ảnh 3.

Cổng làng Trọng Hậu, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá

Mặt khác, việc đầu tư phát triển văn hóa là mục tiêu quan trọng luôn được huyện quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cấp huyện, xã, thôn ngày một hoàn thiện đã đáp ứng như cầu sinh hoạt của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Đáng chú ý là các công trình văn hóa, thể thao cấp xã được hoàn thiện. Hiện nay toàn huyện có 195/243 khu thể thao thôn đảm bảo theo tiêu chuẩn: 365 sân cầu lông; 190 sân bóng chuyền; 35 sân bóng rổ (tại các trường học); 80 bàn bóng bàn; 280 sân chơi, bãi tập, khu vui chơi, giải trí và hoạt động Thể dục, thế thao cho thanh, thiếu niên.

Về Hoằng Hóa hôm nay, chúng tôi dễ nhận thấy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đã và đang đáp ứng được nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, rèn luyện thể chất của các tầng lớp nhân dân; đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các thể loại văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện thời gian qua đã được cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo vệ, giữ gìn và trùng tu, tôn tạo di tích, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Huyện Hoằng Hóa: Hài hòa kinh tế và văn hóa – xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững - Ảnh 4.

Người dân thôn Đằng Trung (xã Hoằng Đạo) tham gia rèn luyện thể thao

Qua hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, theo đánh giá của ngành chức năng, một số chỉ tiêu về tỷ lệ gia đình văn hóa; thôn, xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp kiểu mẫu; làng, thôn, tổ dân phố văn hóa (khu dân cư văn hóa); thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã đều vượt kế hoạch đề ra. 

Điển hình là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với phong trào XDNTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đã góp phần tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa năm 2022 là: 51.494/ 61.950 hộ gia đình, đạt 83,1%. Số gia đình được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục (2020-2022) là 46.619/61.950 hộ gia đình, đạt 75,3%.

Song song với việc xây dựng "Gia đình văn hóa", việc xây dựng "Thôn văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" ngày càng được các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân từ huyện đến cơ sở đồng tình hưởng ứng. Kết quả năm 2022, số thôn, tổ dân phố được công nhận Khu dân cư văn hóa là 236/243 thôn, tổ dân phố đạt 97,1%.

Huyện Hoằng Hóa: Hài hòa kinh tế và văn hóa – xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững - Ảnh 5.

Giải bóng chuyền da nam huyện Hoằng Hóa năm 2023

Lấy con người là trung tâm

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa chia sẻ: Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: "Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…", trước hết là phải đặt người dân vào trung tâm của sự phát triển. Đồng thời phải xây dựng được một "lưới" an sinh đủ dày, với sức bao phủ rộng trên lĩnh vực đời sống xã hội, để làm điểm tựa góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật về thực hiện hương ước, quy ước của người dân, phòng Văn hóa - Thông tin đã chủ động hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, của hương ước để nhân dân chấp hành và tổ chức thực hiện.

Đề cập đến mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phát triển văn hóa đến năm 2025, Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Trước mắt, cần nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa trên địa bàn huyện, hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; xây dựng con người Hoằng Hóa phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; đặc biệt bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Huyện Hoằng Hóa: Hài hòa kinh tế và văn hóa – xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững - Ảnh 6.

Biển Hải Tiến thuộc địa phận của tỉnh Thanh Hoá. Biển có đường bờ biển dài nhất miền Bắc nước ta với hơn 12km

Với tinh thần đó, Hoằng Hóa tập trung triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục vào việc xây dựng con người nhân văn, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ; gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Với phương châm đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, trong nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện Hoằng Hoá luôn quan tâm chăm lo cho sự nghiệp trồng người, gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và giữ vững vị trí trong nhóm dẫn đầu cả tỉnh. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững…

Huyện Hoằng Hóa: Hài hòa kinh tế và văn hóa – xã hội: Tiền đề cho phát triển bền vững - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Hoằng Hoá trao thưởng cho các giáo viên

Có thể khẳng định, dù còn gặp những khó khăn, song các lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được huyện quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Những kết quả ấy đã và đang góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển đồng bộ và toàn diện giữa kinh tế và văn hóa - xã hội. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đối với vấn đề phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, vì sự phát triển hài hòa, bền vững.

Triều Nguyệt - Yến Hoàng

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/huyen-hoang-hoa-hai-hoa-kinh-te-va-van-hoa-xa-hoi-tao-tien-de-cho-phat-trien-ben-vung-a13735.html