Viên nén là một loại chất đốt năng lượng sạch, dùng thay thế cho than, xăng, dầu... và đang là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới để giảm phát thải. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tại Việt Nam, viên nén gỗ nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới.
Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ đạt gần 800 triệu USD và dự kiến mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong năm 2023. So với năm 2013, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam đã tăng gấp 28 lần và gấp 34 lần trong hơn một thập kỷ qua.
Hiện giá xuất khẩu viên nén gỗ hiện tại có giá từ 120 - 145 USD/tấn và có thời điểm đã đạt 180 - 200 USD/tấn. Điều này đã mang lại giá trị gia tăng rất cao cho chuỗi phát triển lâm nghiệp của Việt Nam.
Các thị trường chính của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm hơn 90% tổng lượng xuất khẩu hàng năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất khẩu viên nén gỗ sang một số nước châu Âu như Anh, Đức, Hà Lan, Pháp.
Nguyên liệu đầu vào để sản xuất viên nén gỗ là củi vụn, dăm bào, mùn cưa, đầu mẩu, cành ngọn gỗ... là những “phế phẩm” dễ kiếm, không kén chọn, các cơ sở chế biến viên nén gỗ cũng không cần phải đầu tư quá hiện đại về công nghệ. Do đó, ngành viên nén là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp.
Với tiềm năng xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng thời cơ để xuất khẩu viên nén gỗ sang các quốc gia tiềm năng. Như tại Công ty Smartwood Việt Nam, năm 2022, công ty đã xuất khẩu 360.000 tấn, dự kiến năm nay xuất khẩu 400.000 tấn.
Tập đoàn Cellmark, Thuỵ Điển cũng đạt số lượng đơn hàng viên nén gỗ tăng trưởng tích cực qua các năm. Năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 820.000 tấn, 700.000 tấn từ Việt Nam. Năm 2023 dự tính số lượng cũng khoảng 800.000 tấn.
Tuy nhiên, xuất khẩu viên nén gỗ cũng gặp nhiều thách thức. Đầu tiên là sức ép cạnh tranh lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường tốt và đáp ứng các đòi hỏi từ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành viên nén còn tồn tại những cơ sở sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, kém chất lượng, cạnh tranh thiếu công bằng.
Tiếp theo là cần có đầy đủ chứng chỉ rừng cho sản lượng viên nén xuất khẩu để tăng giá trị viên nén. Hiện tại, diện tích rừng đã có chứng chỉ rừng được công nhận chỉ khoảng trên 430.000 ha, trên tổng diện tích khoảng 3,6 triệu hecta rừng trồng tại Việt Nam.
Bên cạnh chứng chỉ quốc tế FSC đang được công nhận chung trên toàn cầu, ngành lâm nghiệp Việt Nam hiện đã phát triển hệ thống cấp chứng chỉ rừng trồng của Việt Nam. Đẩy nhanh việc cấp chứng chỉ rừng trồng sẽ có ý nghĩa lớn, tăng giá trị sản phẩm gỗ Việt Nam, trong đó có mặt hàng viên nén.
Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động vùng nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đầu vào cho sản xuất. Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam đang khuyến khích thành viên trong chi hội là tự tạo vùng nguyên liệu cho mình bằng cách hỗ trợ bà con nông dân về trồng trọt.
Minh An (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/xuat-khau-vien-nen-go-se-tang-truong-800-trieu-usdnam-a13624.html