Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Ngoài ra, giá thép giảm còn do các doanh nghiệp phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Ngày 9/8, nhiều thương hiệu thép ra thông báo điều chỉnh giảm từ 100.000 – 210.000 đồng/tấn đối với dòng thép thanh vằn D10 CB300, trong khi đó vẫn ổn định với dòng thép cuộn CB240.
Cụ thể, thép Hòa Phát hạ 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép vằn thanh D10 CB300 ở cả 3 miền. Giá sau điều chỉnh ở 3 miền lần lượt là 14,04 triệu đồng/tấn, 13,99 triệu đồng/tấn và 13,89 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn CB240 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước.
Thương hiệu Việt Ý cũng giảm giá thép thanh vằn D10 CB300 100.000 đồng/tấn, từ 13,89 triệu đồng/tấn xuống còn 13,79 triệu đồng/tấn. Trong ki đó, thép Mỹ giảm 200.000 đồng/tấn xuống còn 13,6 triệu đồng/tấn.
Tương tự, các thương hiệu thép tại miền Bắc như Việt Đức, Việt Sing và Việt Nhật, Kyoei đều điều chỉnh giá thép D10 CB300 100.000 đồng/tấn.
Khu vực miền Trung ghi nhận giá thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100 đồng/kg tại thương hiệu Việt Đức, Việt Mỹ. Riêng thương hiệu Pomina giảm 210.000 đồng/tấn, từ 14,69 triệu đồng/tấn xuống còn 14,59 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, giá thép thanh vằn D10 CB300 giảm 100.000 đồng/tấn tại thép Việt Mỹ, 210.000 đồng/tấn tại thương hiệu Pomina và Tung Ho. Trong khi đó, Thép Miền Nam không có thay đổi mới.
Kể từ tháng 4/2023, giá thép xây dựng điều chỉnh giảm liên tiếp, hiện giá thép ở quanh mức 13,4 – 14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất từ cuối năm 2020. Trước tình trạng giá thép giảm sâu nhưng vẫn tiêu thụ ế ẩm, doanh nghiệp thép trong nước đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Trước thực trạng giá thép giảm mạnh, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền về các kiến nghị của Hiệp hội, xây dựng quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Theo các chuyên gia ngành thép, chỉ đạo của Chính phủ là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tại Việt Nam, ngành thép đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất, trong đó có phòng vệ thuế quan (chống bán phá giá, chống trợ cấp) và phi thuế quan.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước khó khăn và phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu, cần có thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng thép nhập khẩu nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất chân chính trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu thị trường… nhằm tăng sức cạnh tranh cho thép Việt.
Huyền My (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/gia-thep-xay-dung-tiep-tuc-giam-xuong-muc-thap-3-nam-a13517.html