Quý II/2023, số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng hơn 30%

Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý II/2023 do Bộ Xây dựng công bố ngày 2/8 cho biết, số lượng doanh nghiệp BĐS đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê mới nhất của một số tổ chức khảo sát đánh giá thì lĩnh vực bất động sản vẫn có xu hướng giải thể tăng. Số doanh nghiệp đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước.

Thông tin này được Bộ Xây dựng trích dẫn trong bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023 vừa được phát hành.

Quý II/2023, số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng hơn 30% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Xây dựng cũng nhận định, hiện nay, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; đồng thời phân loại thành các nhóm khó khăn, vướng mắc chính.

Trong đó, nhóm khó khăn, vướng mắc đầu tiên được Bộ Xây dựng điểm danh là về pháp lý. Hiện nay nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc.

Nhóm hai là nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện. "Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ, gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …", báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay.

Khó khăn, vướng mắc thứ 3 chính là về nguồn vốn. Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai).

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp bất động sản đang phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Cùng với đó, theo Bộ Xây dựng, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản của thị trường bất động sản thấp, dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thiếu vốn.

Để gỡ “nút thắt” cho thị trường BĐS, mới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, tuy nhiên, cần thời gian để thị trường “ngấm” chính sách. Cùng với đó, các cấp có thẩm quyền đang khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường hiện nay.

Nhận định về thị trường BĐS trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS sẽ giao dịch sôi động trở lại từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thị trường.

Huyền My (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/quy-ii2023-so-doanh-nghiep-bat-dong-san-giai-the-tang-hon-30-a13502.html