Tiền giả polymer mệnh giá 500.000 đồng (seri BD, PH, QZ, ZF, PB, RV); 50.000 đồng (seri EX); 20.000 đồng (seri FA) có đặc điểm nhận biết: hình ảnh, hoa văn không sắc nét. Hình định vị không khớp khít, không có hiệu ứng đổi màu, lấp lánh như tiền thật. Mảng ký tự siêu nhỏ là dải mực nhòe. Cửa sổ lớn làm giả cụm số dập nổi bằng phương pháp in.
Đặc biệt, khi soi dưới đèn cực tím, số seri dọc và số seri ngang không phát quang và có thể nhìn thấy rõ cụm số mệnh giá giả dập nổi dưới đèn cực tím.
Bên cạnh đó, loại tiền giả polymer không được làm từ polymer nên không đàn hồi. Các hình bóng chim không tinh xảo.
Trong tiền thật, hình ảnh Bác Hồ cũng như hình chùa Một Cột được in sáng trắng, rõ nét, khắc họa chi tiết.
Ngoài ra, dây bảo hiểm trên tiền thật còn có cụm số mệnh giá và chữ "NHNNVN" hoặc "VND", trong khi tiền giả không rõ ràng hoặc không có yếu tố này.
Lưu ý thêm nếu vuốt nhẹ tờ tiền, ở tiền thật sẽ cảm nhận được các chữ in nổi cũng như độ nhám, trong khi tiền polymer giả bóng loáng hoặc không có hình in nổi.
Bên cạnh đó, người dân có thể ngửi thử tờ tiền vì polymer có mùi thơm đặc trưng, dễ nhận biết, còn tiền giả có mùi nhựa hoặc mùi nhựa ni lông nồng.
Một cách nhận biết khác là nghiêng tờ tiền, ở tiền thật mực sẽ đổi màu chuyển từ vàng sang xanh lá cây hoặc ngược lại, trong khi tiền giả không đổi màu hoặc đổi màu nhưng không đúng màu như polymer thật.
Ví dụ, trên tờ polymer 100.000 đồng thật, người dùng chao nghiêng tờ tiền sẽ thấy dải iriodin (dải màu vàng chạy dọc tờ tiền, lấp lánh ánh kim).
Với tờ tiền 500.000 đồng, khi đưa cửa sổ nhỏ tới mắt, người dân dễ dàng nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng, còn tiền giả thường không có yếu tố hình ẩn này.
Người dân khi phát hiện tiền giả, đối tượng sử dụng, tiêu thụ, vận chuyển tiền giả báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ đến Công an tỉnh sở tại.
Huyền MY (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/canh-bao-cac-loai-tien-gia-polymer-moi-xuat-hien-tren-thi-truong-a13470.html