Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ngày 29/6, giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 6 tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2023, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Nhóm hàng hóa có CPI giảm chính là nhóm bưu chính - viễn thông, với mức giảm 0,23%. Đây là nhóm hàng hóa luôn có mức giảm trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất, 0,57%, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.
Trong đó, nhóm lương thực tăng 0,09%; thực phẩm tăng 0,72%, còn ăn uống ngoài gia đình tăng 0,42%. Đây chính là nhóm hàng có tác động lớn tới CPI chung.
Ngoài nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng khá cao, thì nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,34%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26%.
Trong khi đó, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; nhóm giao thông tăng 0,16%. Các đợt điều chính giá xăng trong tháng 6/2023 đã khiến giá xăng, dầu trong nước tăng 0,5% và tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phẩn trăm.
Các nhóm hàng hóa còn lại, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,11%; nhóm giáo dục tăng 0,11%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07%...
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản bình quân tiếp tục ở mức cao, cao hơn CPI bình quân chung tiếp tục là yếu tố được coi là cần được theo dõi.
Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê (GSO) kiến nghị một số giải pháp. Đó là các cơ quan ban ngành nên theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Đối với mặt hàng xăng dầu, GSO cho rằng cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước để thay thế nguồn nhập khẩu.
Nhà quản lý quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Cuối cùng, theo GSO, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Thương Huyền (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/cpi-6-thang-tang-329-do-tac-dong-cua-gia-thuc-pham-va-gia-dien-a13434.html