Hà Nội trước đây được gọi là Kẻ Chợ, nơi tập trung những người dân tháo vát, nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng. Khi nơi đây bước sang giai đoạn mới, đô thị hóa theo thời cuộc, rồi trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả Đông Dương (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), kinh tế sáng tạo tiếp tục có những bước phát triển ngoạn mục.
Ở giai đoạn hiện nay, với định hướng lấy công nghiệp văn hóa là nội dung quan trọng trong phát triển văn hóa, sự sáng tạo tất nhiên là điều không thể tách rời trong quá trình phát triển.
Thực hiện cam kết với UNESCO sau khi Hà Nội chính thức trở thành Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực Thiết kế, Hà Nội đã và đang cụ thể hóa bằng các chương trình và kế hoạch hành động dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Thành phố, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo.
Theo thống kê của Hội đồng Anh, Hà Nội có gần 200 không gian sáng tạo, với đa dạng phương thức tổ chức, loại hình hoạt động, giúp nâng cao đời sống tinh thần, thay đổi nhận thức và lan truyền cảm hứng sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân.
Có thể kể đến các không gian nghệ thuật công cộng như Complex01; 282 Design, Vicas Art Sudio, VUVV Buiding… Một số không gian còn làm sống lại các giá trị văn hóa truyền thống như Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm), Không gian triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội, Vụn Art (tại làng nghề Vạn Phúc)... Không gian làm việc chung, hỗ trợ khởi nghiệp và sáng kiến số: Toong, The learing Hub…
Bên cạnh đó, Hà Nội còn có những không gian sáng tạo được coi là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa, công nghệ, là không gian giải trí, đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng như: Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng, con đường nghệ thuật Phúc Tân.
Điểm chung của các không gian trên là đều được tái thiết từ những nhà máy bỏ hoang, nơi vẫn lưu giữ những dấu vết lịch sử, văn hóa, kiến trúc đẹp đẽ của nhiều thập niên xưa cũ.
Những không gian này đã đem đến đời sống làn gió mới từ nguồn lực sáng tạo trong cộng đồng. Những không gian lịch sử mang nhiều kỷ niệm đã được tái tạo, sáng tạo, qua đó định hình bản sắc đô thị, tạo sức hấp dẫn, truyền cảm hứng sáng tạo và chia sẻ cho đô thị.
Hà Nội hiện là một trong số ít các đô thị di sản trên thế giới có bề dày phát triển hàng nghìn năm. Điều kiện đó chính là nền tảng tạo nên một thành phố lịch sử văn hóa với hàng nghìn di tích.
Di sản là một bộ phận không thể tách rời với sự vận động của xã hội và đời sống kinh tế hiện đại. Ngoài những giá trị lịch sử và thẩm mỹ, di sản dù là vật thể hay phi vật thể đều là một tài sản độc đáo được tạo ra trong không gian đương đại kết nối với không gian hiện đại tạo ra những giá trị, căn tính xã hội và truyền cảm hứng cho hoạt động của con người hiện đại.
Từ danh hiệu Thành phố hòa bình năm 1999, hai mươi năm sau với danh hiệu Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã trở mình và mang theo những khát vọng mới. Với những di sản văn hóa vô cùng phong phú: gần 6000 di tích lịch sử, gần 1800 di sản văn hóa phi vật thể, 149 bảo vật quốc gia cùng nhiều bảo tàng công lập, tư nhân. Sự phong phú của di sản chính là động lực quý giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa sẵn có, làm nên một thành phố sáng tạo phát triển bền vững.
Chẳng hạn, hoạt động hiệu quả của Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trong nhiều năm qua đã “gợi ý” cho việc hình thành các không gian tương tự như Không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận (quận Hai Bà Trưng); Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã và Khu phố kinh doanh - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình), dự kiến quý IV-2023 khai trương; quận Tây Hồ có Phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt tại Phủ Tây Hồ, Không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó truyền thống của làng Yên Thái xưa gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài; thị xã Sơn Tây có Không gian văn hóa đi bộ Thành cổ Sơn Tây...
Không chỉ mang lại những lợi ích về tinh thần, vật chất cho cộng đồng, những không gian này còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân, đặc biệt là lớp trẻ.
Theo nhiều chuyên gia, sáng tạo cần đến di sản để được neo lại trong không gian và thời gian. Bởi di sản là nguồn cung cấp ý tưởng, cảm hứng và những câu chuyện để sáng tạo; để những ý tưởng sáng tạo hiện hữu trên di sản không bị lãng quên. Và đặc biệt, sáng tạo trên kiến trúc di sản vượt lên những tính chất tiêu khiển, giải trí nhất thời. Ngược lại đối với di sản, yếu tố sáng tạo sẽ góp phần tôn vinh và làm mới các giá trị nổi bật; khuyến khích sự tương tác và chia sẻ của cộng đồng.
Trước đó, tại Tọa đàm Di sản trong thành phố sáng tạo Hà Nội", TS-KTS Lê Phước Anh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Nếu muốn di sản "sống" và thêm sinh động, chúng ta phải buộc phải thay đổi và sáng tạo. Còn nếu chỉ "đóng băng" và giữ nguyên hiện trạng chỉ khiến di sản "đóng băng" nhanh hơn".
Còn Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, các không gian góp phần kích thích sức sáng tạo trong xã hội. Thông qua việc đẩy mạnh phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, Hà Nội mang đến cơ hội thụ hưởng văn hóa cũng như nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách cân bằng, hiệu quả và bền vững.
An Mai
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/nang-cao-vi-the-thanh-pho-sang-tao-mang-ban-sac-thu-do-di-san-a13400.html