Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm giảm 17,9%

5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của nước ta.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,31 tỷ USD, tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỷ USD, tăng 7,8%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm giảm 17,9% - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD. Ảnh minh họa

So với cùng kỳ năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 giảm 18,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 24,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,7%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 24 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,6%).

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu (chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) trong 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 110,9 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm gần 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 31,7 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,6%, đạt 15,7 tỷ USD; vải các loại giảm 22,9%, đạt 5,1 tỷ USD; thép các loại giảm 25,5%; xăng dầu các loại giảm 18,9%; cao su các loại giảm 43%; bông các loại giảm 24,6%; hóa chất giảm 25,6%; phân bón giảm 33,2%...

Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu điện thoại các loại tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 64,4%.

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 8,12 tỷ USD. Những mặt hàng giảm mạnh gồm: Linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ (giảm 26,4%), xe máy và linh kiện (giảm 12,5%), hàng điện gia dụng và linh kiện (giảm 22,9%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 24,7%... Ngược lại, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, tăng 36,8%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 5 tháng qua của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 42,4 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm trước;  tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 26,8%; thị trường ASEAN đạt 17,2 tỷ USD, giảm 15,2%; Nhật Bản đạt 8,86 tỷ USD, giảm 10,6%; thị trường EU đạt 5,8 tỷ USD, giảm 12,3%; Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, giảm 2,7%.

Quang Lộc

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/kim-ngach-nhap-khau-hang-hoa-5-thang-dau-nam-giam-179-a13348.html