Ngành công nghiệp Điện tử ở Việt Nam đã có lịch sử hơn 40 năm, song cho đến nay chỉ dừng lại ở mức độ khai thác dịch vụ, lắp ráp sản phẩm với các bảng mạch và linh kiện nhập khẩu. Sở dĩ, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam phát triển chậm, chưa thể hiện được vai trò chủ lực trong sự phát triển kinh tế của đất nước là do thiếu sự đầu tư đúng mức vào việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng công nghệ cốt lõi.
Để làm được điều này, chúng ta phải kết nối với nhiều chuyên gia hàng đầu là người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm quốc tế. Thông qua đó, đôi bên cùng nhau trao đổi nhằm chuyển giao công nghệ và định hướng đào tạo các đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Việt Nam vốn còn non trẻ. Chỉ với sự kiên trì và tinh thần ham học hỏi, chúng ta mới mong giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng trong ngành công nghiệp điện tử.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn phức tạp cùng với căng thẳng giữa Nga và Ukraine, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có chiều hướng xấu đi, khiến nguồn cung chip và các linh kiện bị thiếu hụt nghiêm trọng, kéo theo sự ngưng trệ trong sản xuất sản phẩm điện tử của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.
Mặt khác, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình chuyển đổi số, ngành Điện tử - Viễn thông và Công nghệ thông tin được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, chi phối nhiều lĩnh vực khác như cơ khí, điện, nhựa và hóa chất... và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam đạt gần 65 tỷ USD, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử đạt khoảng 57,6 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng doanh thu công nghiệp ICT. Những số liệu này góp phần phản ánh tiềm năng và triển vọng phát triển của ngành ĐT-VT và CNTT ở Việt Nam.
Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Điện Quang nhận định: "Có được những con số ấn tượng như trên một phần là nhờ vào các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Chính phủ và các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh trong các hoạt động sản xuất và đời sống; chính sách phát triển ngành ĐT-VT-CNTT và phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành.
Ngoài ra, xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng, đa dạng hóa nguồn cung của các tập đoàn toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra và là cơ hội lớn cho Việt Nam nếu tiếp tục nắm bắt tốt thời cơ này". Trước tình hình trên, doanh nghiệp nào tự chủ được công nghệ và một phần vật liệu sẽ có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, không những đảm bảo nguồn cung nội địa mà còn hướng đến tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó chính là lý do chính yếu thôi thúc Điện Quang, Xelex cùng cộng đồng Điện tử, CNTT, Viễn thông và các ngành công nghiệp phụ trợ hợp tác với nhau để đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm điện tử, CNTT và Viễn thông.
Ông Nguyễn Ái Hữu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Xelex cho biết: "Chúng ta biết ngành công nghiệp điện tử là một ngành công nghệ cao rất đặc biệt. Do vậy, sự thành công của nền công nghiệp điện tử của Việt Nam không những đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư ban đầu khổng lồ mà còn cần có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng.
Với tình hình của nền công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay, sự đồng lòng, chung tay góp sức của các chuyên gia từ thung lũng Silicon - cái nôi công nghệ của nước Mỹ và thế giới - đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của ngành Điện tử, CNTT và Viễn thông của đất nước trong giai đoạn tới".
Hội thảo lần này ngoài việc quy tụ các chuyên gia hàng đầu là người Việt Nam tại Mỹ trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo còn có sự tham gia của các đại diện các bộ, ban ngành và các cơ quan Nhà nước; các trường đại học danh tiếng tại Việt nam; các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành công nghiệp điện - điện tử và một số ngành công nghiệp phụ trợ… Tại đây, các chuyên gia cùng tham gia thảo luận, trao đổi về thực trạng ngành công nghiệp điện tử, CNTT và Viễn thông Việt Nam, từ đó đề xuất phương thức phát triển đúng hướng, đồng bộ và bền vững cho ngành. Ngoài ra, các vấn đề liên quan mật thiết đến nghiên cứu và chế tạo chip như Trí tuệ Nhân tạo, làm chủ thiết kế Chip AI/Chip nhớ... đều được các chuyên gia trình bày cụ thể.
Đặc biệt, Điện Quang, Xelex và cộng đồng điện tử, CNTT, viễn thông và các ngành công nghiệp phụ trợ sẽ bắt tay nhau cho ra đời các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao ở trong nước. Đây là một bước đi then chốt nhằm hạn chế sự phụ thuộc của ngành Điện - Điện tử Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời, tạo ra các sản phẩm mới mang tính đột phá về công nghệ và bảo mật. Thông qua đó, lợi ích về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng trong nước càng được nâng cao hơn, kéo theo những bước chuyển biến tích cực cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
Là hai doanh nghiệp đã và đang có những bước tiến mới trong việc hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm điện tử, Điện Quang và Xelex đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với nhau với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm điện tử "Make in Việt nam" đạt chất lượng quốc tế. Việc ký kết hợp tác lần này giữa hai doanh nghiệp đã mở ra nhiều kỳ vọng cho tương lai ngành công nghiệp điện tử, CNTT và viễn thông 5G Việt Nam nói chung và hai doanh nghiệp Xelex và Điện Quang nói riêng.
Minh Yến
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/hoi-thao-nghien-cuu-va-san-xuat-thiet-bi-dien-tu-cntt-vien-thong-a13050.html