Thông tin được nêu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Dự thảo do Bộ Công an hoàn thiện, đang lấy ý kiến đóng góp trong 02 tháng, bắt đầu từ ngày 22/04.
Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết này là quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm: giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là người) trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Theo dự thảo thí điểm, biển số đuợc lựa chọn đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà Cơ quan đăng ký dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 06 tháng hoặc 01 năm.
Hình thức đấu giá?
Về hình thức đấu giá, Bộ Công an giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.
Dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Dự thảo nêu rõ, không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Đối tượng được tham gia đấu giá: Là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở (đối với tổ chức, doanh nghiệp) hoặc nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân).
Cơ quan tổ chức đấu giá: Là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đấu giá biển số theo phân cấp đăng ký quản lý phương tiện.
Về hình thức đấu giá: Bộ Công an giao Công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê Tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức đấu giá trực tuyến.
Giá khởi điểm của đấu giá biển số xe được tính thế nào?
Cũng theo dự thảo Nghị quyết này quy định về việc xác định giá khởi điểm (Gkđ) có mức chênh lệch:
Vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP TP. HCM): Gkđ = Glp x 2
Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): Gkđ = Glp x 10
Trong đó, Gkđ: Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá, đơn vị tính là Việt Nam đồng; Glp: Mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương.
Theo đề xuất trên và theo quy định hiện hành, giá khởi điểm một biển số tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ là 40 triệu đồng, vì mức lệ phí đăng ký xe tại hai địa phương này là 20 triệu đồng.
Người trúng đấu giá và biển số đấu giá sẽ như thế nào?
Trong đó quy định,người trúng đấu giá sẽ được ký hợp đồng với cơ quan tổ chức đấu giá để xác lập quyền đối với biển số trúng đấu giá; được sử dụng biển số trúng đấu giá; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu (biển số đi theo người); khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.
Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá được Cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe (khi chưa làm thủ tục đăng ký người trúng đấu giá chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số trúng đấu giá).
Cần minh bạch, tránh chồng chéo, đầu cơ
Nói tới việc đấu giá biển số xe, người ta nghĩ ngay đó là biển số đẹp. Dù vậy, pháp luật hiện hành chưa định nghĩa thế nào là "biển số xe đẹp". Biển số xe đẹp được xác định đa dạng, tùy theo quan niệm của số đông và sở thích mỗi người.
Một số ý kiến cũng cho rằng, việc đấu giá biển số xe cũng xảy ra sự xung đột, chồng chéo giữa một số luật đang hiện hành.
Theo Trung tá Phạm Việt Công - Trưởng phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, trong trường hợp các quy định pháp luật khác chưa được sửa đổi, bổ sung thì sẽ xảy ra nhiều xung đột: “Nếu coi biển số xe là tài sản thì mới đưa ra để đấu giá được. Nhưng khi trúng đấu giá mà người dân không được toàn quyền sử dụng, không được chuyển nhượng, thậm chí họ có thể bị thu hồi, sẽ dẫn đến những nguy cơ khiếu nại phức tạp. Do đó, chúng tôi cũng thấy rằng cần phải giải quyết những vướng mắc này bằng những quy định pháp luật, tức đấu giá biển số sẽ được luật hóa”.
Nhiều chuyên gia phân tích, việc đấu giá biển số đẹp ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy thì việc quan trọng nhất là tạo dựng được một hành lang pháp lý chặt chẽ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để tránh tiêu cực và thất thu trong quá trình triển khai. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tính đến những phản ứng và hệ luỵ xã hội có thể gặp phải từ việc đấu giá biển số xe như: Tâm lý ăn thua, trào lưu sính số đẹp một cách thái quá hay xuất hiện thị trường “ngầm” chọn số đẹp cho nhiều loại hình như thẻ căn cước công dân, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng...
Minh An