Theo đó, một trong những quan điểm quy hoạch là bảo đảm tính khoa học, hợp lý và khả thi, đáp ứng được các yêu cầu trước mặt và định hướng lâu dài. Hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các khu đô thị, khu phố cổ, khu dân cư, di tích lịch sử. Thành phố phát triển theo hướng giao thông thông minh; phù hợp với quy hoạch và có tính kết nối chặt chẽ, đồng bộ với hệ thống giao thông Vùng Thủ đô; kế thừa các kết quả khảo sát, điều tra thu thập, số liệu của các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
Phát triển bền vững, đồng bộ, hiện đại
Phạm vi quy hoạch là toàn bộ phần địa giới hành chính TP Hà Nội có xem xét sự tác động, ảnh hưởng (luồng, tuyến) từ các khu vực lân cận có liên quan trong vùng Thủ đô.
Theo đó, khu vực nghiên cứu chính tại đô thị trung tâm (từ Vành đai 4 trở vào). Quy mô diện tích khoảng 3344,6k m2. Tổng dân số dự báo đến năm 2030: 9,1 - 9,3 triệu người, đến năm 2050: 10,5 - 10,7 triệu người.
UBND TP Hà Nội cho biết, quy hoạch ban hành phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị TP Hà Nội, quy hoạch chung các quận, huyện, thị xã và các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội yêu cầu về quy hoạch đối với bãi đỗ xe là xác định các khu vực đặc thù để đưa ra các chỉ tiêu, quan điểm cho từng khu vực làm cơ sở xác định cụ thể vị trí, quy mô, tính chất, hình thức của từng bãi đỗ xe theo các khu vực đặc thù.
Xác định nhu cầu, nguyên tắc bố trí bãi đỗ xe buýt, xe tải trên cơ sở phân chia phương thức vận tải. Xác định vị trí, quy mô, hình thức bãi đỗ xe trung chuyển (P&R) nhằm giảm lượng xe vào nội đô, tránh ùn tắc giao thông và xác định chỉ tiêu đỗ xe theo từng loại hình dự án đầu tư xây dựng tại khu vực trên địa bàn TP.
Đồng thời, khuyến khích việc xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này trong thời gian tới; làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện dự án bến, bãi đỗ xe sử dụng công nghệ cao (tích hợp giao thông thông minh).
Theo đó, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.
Các bãi đỗ xe công cộng tập trung bố trí tại các khu dân cư, khu chức năng xây dựng tập trung mật độ cao, đảm bảo cự ly đi lại hợp lý từ 300 m đến 600 m, thuận lợi kết nối giao thông.
Đối với các bến xe, bãi đỗ xe đã có quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng hoặc dự án đầu tư được duyệt thì được thực hiện theo quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Vị trí, quy mô sử dụng đất của các bến xe khách, xe tải liên tỉnh, trung tâm tiếp vận sẽ tiếp tục được rà soát, nghiên cứu mở rộng thêm quy mô diện tích đất (để bổ sung các công năng cho các khu bến nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lâu dài trong tương lai 20 - 30 năm tới của TP.
Cụ thể: Kho lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ sửa chữa, nhà hàng, trạm xăng dầu...) trong quá trình triển khai lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải có liên quan.
Bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm tiếp tục được khai thác
UBND TP Hà Nội cũng cho biết, đối với các bến xe khách liên tỉnh hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.
Về lâu dài sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...). Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...). Cụ thể sẽ được thực hiện theo các dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, các bến xe khách trung hạn: Xây dựng bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2 ha) theo dự án đầu tư được duyệt. Không bố trí các bến Xuân Phương, Kim Chung (do đã hết thời hạn thực hiện). Vị trí, quy mô các bến xe trung hạn quy hoạch sẽ tiếp tục được rà soát xem xét cụ thể trong quá trình lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải có liên quan.
7 bến xe được quy hoạch dài hạn
Bến phía Bắc tại khu vực giao giữa đường Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hạ Long với đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn, diện tích khoảng từ 5 – 7 ha.
Bến Đông Anh tại khu vực giao giữa QL3 với đường Vành đai 3 Bắc Sông Hồng, huyện Đông Anh, diện tích 5,3 ha, thực hiện theo Quy hoạch chi tiết bến xe khách Đông Anh, tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 1764/QĐ-UBND ngày 29/4/2020.
Bến phía Đông Bắc (Cổ Bi) tại khu vực giao giữa quốc lộ 1A với QL5, huyện Gia Lâm, diện tích 10,4ha thực hiện theo Quy hoạch chi tiết bến xe khách liên tỉnh kết hợp điểm đầu cuối xe buýt phía Đông, tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2319/QĐ-UBND ngày 18/4/2017.
Bến phía Nam tại 2 khu vực: Khu vực Duyên Thái nằm giữa quốc lộ 1A cũ với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, huyện Thường Tín và khu vực Ngọc Hồi nằm phía Nam khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, tổng diện tích khoảng 11 ha.
Bến Yên Nghĩa (hiện có), diện tích khoảng 7,0ha. Bến phía Tây tại nút giao đường Vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức, diện tích khoảng 5 - 7 ha.
Bến Phùng tại khu vực giao giữa đường Vành đai 4 với QL32, huyện Đan Phượng, diện tích khoảng 8 - 10 ha. Bến xe tải liên tỉnh gồm 8 bến: Bến phía Bắc (Nội Bài) tại khu vực giao giữa đường Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hạ Long với đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn, diện tích khoảng 6 ha.
Bến phía Đông Bắc (Phủ Lỗ) tại khu vực giao giữa đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long với QL3 cũ, huyện Sóc Sơn, diện tích khoảng 10 ha. Bến Yên Viên tại khu vực nút giao giữa đường QL1A cũ với QL3 mới, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 10 ha.
Bến phía Đông tại khu vực nút giao QL1A với QL5, huyện Gia Lâm, diện tích 10 ha. Bến Khuyến Lương tại khu vực nút giao đường Vành đai 3 với đường ra cảng Khuyến Lương, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,5 ha.
Bến phía Nam tại khu vực nút giao giữa Vành đai 4 với QL1A, huyện Thanh Trì, diện tích 10 ha. Bến phía Tây Nam (Hà Đông) tại phía Nam QL6 thuộc khu vực thị trấn sinh thái Chúc Sơn, huyện Quốc Oai, diện tích khoảng 6 ha. Bến Phùng tại khu vực giao đường Tây Thăng Long với Vành đai 4, huyện Đan Phượng, diện tích khoảng 10 ha.
8 bến xe tải liên tỉnh
Bến phía Bắc (Nội Bài) tại khu vực giao giữa đường Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hạ Long với đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn, diện tích khoảng 6 ha.
Bến phía Đông Bắc (Phủ Lỗ) tại khu vực giao giữa đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long với QL3 cũ, huyện Sóc Sơn, diện tích khoảng 10 ha.
Bến Yên Viên tại khu vực nút giao giữa đường QL1A cũ với QL3 mới, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 10 ha.
Bến phía Đông tại khu vực nút giao QL1A với QL5, huyện Gia Lâm, diện tích 10 ha. Bến Khuyến Lương tại khu vực nút giao đường Vành đai 3 với đường ra cảng Khuyến Lương, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,5 ha.
Bến phía Nam tại khu vực nút giao giữa Vành đai 4 với QL1A, huyện Thanh Trì, diện tích 10 ha. Bến phía Tây Nam (Hà Đông) tại phía Nam QL6 thuộc khu vực thị trấn sinh thái Chúc Sơn, huyện Quốc Oai, diện tích khoảng 6 ha.
Bến Phùng tại khu vực giao đường Tây Thăng Long với Vành đai 4, huyện Đan Phượng, diện tích khoảng 10 ha.
Mạng lưới bến xe khách, xe tải
Theo quy hoach, tại 5 đô thị vệ tinh quy hoạch 11 bến xe khách, tổng diện tích khoảng 42 ha, cụ thể như sau: Tại đô thị Phú Xuyên - 1 bến, diện tích 5ha; Đô thị Xuân Mai - 2 bến, diện tích 6 ha; Đô thị Hòa Lạc - 3 bến, diện tích 15 ha; Đô thị Sơn Tây - 3 bến, diện tích 9,65 ha; Đô thị Sóc Sơn - 2 bến, diện tích 7,5 ha.
Tại các thị trấn huyện lỵ, thị trấn sinh thái khác bố trí các bến xe khách quy mô nhỏ từ 1 - 5 ha theo nhu cầu của từng khu vực và sẽ được cụ thể hóa tại các đồ án quy hoạch đô thị được duyệt.
Đồng thời, tại các đô thị vệ tinh quy hoạch 4 bến xe tải, tổng diện tích khoảng 38 ha, cụ thể bao gồm: Bến xe tải đô thị vệ tinh Phú Xuyên 15 ha; Bến xe tải đô thị vệ tinh Hòa Lạc 10ha; Bến xe tải đô thị vệ tinh Sơn Tây 3 ha; Bến xe tải đô thị vệ tinh Sóc Sơn 10 ha. Ngoài ra, tại các khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề ... trong quá trình lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho phép bổ sung bố trí các bến xe tải theo nhu cầu sử dụng để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hoàng Thăng
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ha-noi-phe-duyet-quy-hoach-ben-xe-bai-do-xe-den-nam-2030-tam-nhin-2050-a12968.html