Chính sách quốc phòng nhất quán của Việt Nam là hòa bình, tự vệ, không đe dọa và không gây phương hại đến lợi ích, hòa bình, ổn định của của bất kỳ quốc gia nào. Đường lối đối ngoại của Việt Nam cũng được xác định là nhất quán với phương châm độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ quốc tế đang có nhiều biến đổi, mâu thuẫn, bất đồng như hiện nay, phương châm, đường lối đối ngoại và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những thách thức mới.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, lời giải cho bài toán này chính là chúng ta luôn kiên định đứng về lẽ phải, đứng về chính nghĩa trong việc thể hiện quan điểm và giải quyết các vấn đề quốc tế.
PV: Thưa ông, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp như hiện nay có tác động và ảnh hưởng như thế đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của chúng ta?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Mỗi người chúng ta đều cảm nhận nó đang thay đổi. Thứ nhất là những mối đe dọa an ninh quốc gia mở rộng ra rất nhiều. Khi nói đến an ninh quốc gia, người ta thường nghĩ đến chuyện xâm lược của bên ngoài, tôi nghĩ là nó chưa hết, có thể dưới hình thức khác.
Bên cạnh đó cũng nảy sinh những mối đe dọa an ninh quốc gia khác. Ví dụ như an ninh kinh tế trở thành vấn đề rất gay gắt. Hay những vấn đề như biến đổi khí hậu, vấn đề đại dịch cũng có thể gọi là những mối đe dọa phi truyền thống.
Như vậy, có thể thấy những mối đe dọa an ninh quốc gia có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, ngày càng nghiêm trọng, diện ngày càng rộng ra, thì ứng phó của chúng ta đối với vấn đề an ninh là phải mở rộng ra và không thể coi thường. Chúng ta đã hội nhập sâu vào thế giới rồi thì những ảnh hưởng của nó là khó tránh khỏi.
PV: Như vậy, cách tiếp cận của chúng ta về các vấn đề quốc tế cũng như nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã có sự điều chỉnh và thay đổi?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chúng ta tạo dựng được mối quan hệ đan xen rất chặt chẽ với thế giới bên ngoài. Nhưng sự đan xen ấy đang bị vỡ ra, cả về quan hệ kinh tế lẫn chính trị. Vậy chúng ta phải ứng xử thế nào trong chính sách gọi là đa dạng hóa, đa phương hóa. Rồi mối đe dọa truyền thống, chúng ta thấy vũ khí khác, cách đánh nhau khác, và đối phương khác. Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi cách tiếp cận không thể như cũ được. Tất cả những chuyện đó là vấn đề thời sự chúng ta đang phải đối mặt.
PV: Có ý kiến cho rằng, nếu như chúng ta tham gia một liên minh quân sự với nước nào đó thì sẽ có thêm nhiều sự ủng hộ, giúp đỡ chúng ta trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Tôi nghĩ rằng liên minh tốt nhất là liên minh trên cơ sở những lẽ phải lớn của thời đại, liên minh cho hòa bình, liên minh cho hợp tác, chứ còn liên minh đánh nhau thì không phù hợp. Với chúng ta tất nhiên là không đánh ai cả. Chúng ta chỉ bảo vệ ta thôi.
Thế nhưng không thể trông chờ vào ai hết, phải trông vào mình thôi, cũng biết là ông nọ, bà kia sẽ giúp mình, nhưng mà họ hô hào, họ đẩy mình vào cuộc chiến, còn họ ở nước ngoài họ hưởng lợi cả kinh tế chứ không chỉ là vấn đề chiến lược quân sự. Thành ra chuyện liên minh chỉ là ảo tưởng, trên thực tế chẳng ai cứu mình ngoài mình cả. Đấy là một thực tế.
PV: Điều mà ông vừa nói cũng có nghĩa là muốn bảo vệ được Tổ quốc thì chúng ta phải dựa vào nội lực, dựa vào sức mình là chính?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Cái nội lực ấy nên hiểu một cách rộng ra là cả hai mặt: Nội lực về vật chất và nội lực về tinh thần. Cái nội lực về vật chất thì ai cũng hiểu rồi, đó là sức mạnh về quân sự, sức mạnh về kinh tế và quân sự phải có kinh tế, để tăng cường càng nhiều càng tốt sức mạnh của mình, vũ khí, trang bị của mình sản xuất ra. Tất nhiên không thể đòi hỏi mình làm tất cả, nhưng cái mình làm được, thì mình phải làm.
Cái quan trọng ở đây là nội lực về tinh thần, thể hiện ở những nét sau: Thứ nhất là những nét đặc trưng về văn hóa Việt Nam. Thứ hai là đường lối, đường lối đúng là một sức mạnh rất lớn, thực tế đã chứng minh như thế. Chúng ta đã chiến thắng, chúng ta đã đổi mới, tất nhiên còn chuyện nọ, chuyện kia, nước nào cũng có. Thứ ba là sự hiệp lực đồng tâm, hiệp lực giữa các binh chủng hợp thành, giữa bên kinh tế, quân sự, an ninh ngoại giao, tất cả các ngành thành một khối thống nhất phối hợp với nhau. Đấy là một sức mạnh rất lớn. Thứ tư chúng ta luôn luôn ủng hộ chính nghĩa, thế nên dù người ta có muốn chống mình người ta cũng khó nói.
Chung quy lại là chúng ta phải trông vào nội lực, và nội lực đó là cả vật chất lẫn tinh thần, phải làm song song cả hai, làm thế chúng ta mới có sức mạnh, chứ không thể dựa vào một liên minh nào cả.
PV: Thực tế lịch sử đã cho thấy rõ, chỉ có dựa vào nội lực chúng ta mới có thể bảo vệ được Tổ quốc, chẳng có một quốc gia nào sẵn sàng hi sinh lợi ích của họ vì một quốc gia khác, thưa ông?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Điều đó đã được chứng minh rất rõ ràng rồi, không phải là chuyện mới mẻ gì đối với người Việt Nam. Thế nên có một số người nào đó cứ mơ tưởng trông chờ ai đó cứu mình. Tôi vẫn nói là đừng hòng, người ta cứu người ta chứ ai người ta cứu mình. Người ta không thể hy sinh cái thân người ta để người ta cứu mình đâu.
Nhưng mà chúng ta phải có chính sách để người ta thấy mình chính nghĩa, mình có sức mạnh, mình có lẽ phải thì đó là liên minh tốt nhất, liên minh trên cơ sở những giá trị chung của nhân loại, chứ không phải là liên minh để đánh đấm ai cả.
PV: Tức là trong các vấn đề quốc tế, dù có diễn biến phức tạp như thế nào thì chúng ta cũng luôn luôn lấy chính nghĩa, lấy lẽ phải để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, thưa ông?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Chúng ta đã làm chuyện đó và sẽ làm chuyện đó. Chúng ta kiên trì, không ai có thể lung lay được. Nếu lung lay là nguy hiểm, là vì chúng ta không biết người ta muốn gì, người ta có lợi ích gì. Mình biết rõ mình như thế thì mình giữ giá trị của mình, giữ lấy cái ổn định, lẽ phải của mình, đó là cốt cách của chúng ta, và cái cốt cách ấy sẽ bảo vệ chúng ta chứ không phải trông chờ vào những tính toán của họ.
Nguyên tắc là cứng rắn, không thay đổi, tức là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hữu nghị với tất cả các quốc gia. Đấy là nguyên tắc không thay đổi, còn thể hiện nó như thế nào thì phải tùy hoàn cảnh, tùy từng đối tượng, đối tác.
PV: Xin cảm ơn Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan!
THCL
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/viet-nam-nhat-quan-voi-phuong-cham-doc-lap-tu-chu-da-dang-hoa-trong-quan-he-quoc-te-a12967.html