Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại luôn chứa đựng nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro tín dụng (RRTD) thường gặp và ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của các nhà băng nhất. RRTD xảy ra khi các khoản tín dụng không được khách hàng thanh toán đúng hạn và các tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp và những tài sản khác của ngân hàng bị mất khả năng thanh khoản.
Hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng là công cụ hữu hiệu giúp các ngân hàng thương mại nhận biết và giảm thiểu tỷ lệ khách hàng nợ xấu, nợ quá hạn bằng cách đánh giá danh mục đầu tư thường xuyên, giúp duy trì chất lượng tín dụng.
Đồng thời, hệ thống cảnh báo sớm cũng giúp các ngân hàng giảm thiểu những thiệt hại trong trường hợp có khách hàng gặp rủi ro, không thực hiện được trách nhiệm tài chính với ngân hàng (trả lãi, trả gốc) bằng cách tăng giá trị tài sản đảm bảo cần thiết của những khoản nợ.
Việc xây dựng các tiêu chí của hệ thống cảnh báo sớm phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro cũng như danh mục khách hàng, sản phẩm tín dụng của từng Ngân hàng, tuy nhiên có 2 cơ sở chính là dựa vào các chỉ tiêu định tính và định lượng.
Hiện nay việc định lượng được thực hiện bằng cách chấm điểm tín dụng phân loại nợ nội bộ hàng quý đối với các khách hàng (chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp có BCTC rõ ràng) để nhận diện sớm các dấu hiệu suy giảm về doanh thu, lợi nhuận hoặc phát hiện sớm các vấn đề như tỷ lệ nợ vay tăng, mất cân đối vốn,... Bên cạnh đó, việc thiết lập các tiêu chí định tính liên quan đến sự kiện xảy ra với cá nhân/pháp nhân hay người quản lý, lãnh đạo của pháp nhân cũng là 1 cơ sở giúp các ngân hàng nhận diện rủi ro sớm.
Đối với các nhà băng, khái niệm "Khoản tín dụng có vấn đề" là 1 khái niệm không xa lạ. Không phải đợi đến khi khoản vay trễ hạn mà ngay từ khi có những thông tin tiêu cực liên quan đến khách hàng (cá nhân/pháp nhân) Ngân hàng đã phải kích hoạt hệ thống phòng ngừa rủi ro.
Theo đó 1 ngân hàng sẽ chủ động xác định Khoản tín dụng có vấn đề ngay cả khi khoản nợ đó vẫn đang được trả nợ đúng hạn dựa trên các dấu hiệu cảnh báo sớm phổ biến như:
(i) Khách hàng vay là cá nhân chết, mất tích, bị khởi kiện hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
(ii) Khách hàng vay là pháp nhân bị phá sản, ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
(iii) Người đại diện pháp luật, người điều hành của khách hàng vay là pháp nhân chết, mất tích, bị khởi kiện hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(iiii) Các trường hợp liên quan đến Tài sản bảo đảm (TSBĐ) như giá trị TSBĐ bị suy giảm, TSBĐ không còn do hoả hoạn hay thiên tai, TSBĐ bị kiện tụng, tranh chấp, bị thu hồi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hình ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại thường có bộ phận chuyên trách về cảnh báo sớm rủi ro tín dụng trong cơ cấu tổ chức. Bộ phận này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng mô hình, lựa chọn phương pháp và hoàn thiện hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu cảnh báo sớm rủi ro phù hợp với chiến lược kinh doanh của ngân hàng, cũng như đảm bảo tính độc lập, khách quan với các bộ phận kinh doanh của ngân hàng.
Khi có sự kiện tiêu cực xảy ra như Người đại diện pháp luật của Doanh nghiệp đang vay vốn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bộ phận chuyên trách này sẽ phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý khoản vay đánh giá lại rủi ro khoản vay trên các góc độ tài chính (dòng tiền trả nợ), tài sản bảo đảm (giá trị và tính pháp lý), khả năng hoạt động bình thường và liên tục của Doanh nghiệp,...
Ngoài ra, động thái phổ biến các Ngân hàng thường áp dụng khi có "biến cố" với khách hàng vay đó là dừng giải ngân mới (trong trường hợp khoản cấp tín dụng chưa giải ngân hết, còn thời hạn giải ngân hoặc khoản vay ngắn hạn trả vào, giải ngân lại) trước khi việc đánh giá được báo cáo và có phê duyệt của cấp thẩm quyền.
An Vũ