Ngày 22//2/2020, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền TP với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để trao đổi, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Tại hội nghị, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và đại diện các doanh nghiệp bất động sản đã nêu ra nhiều vướng mắc khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại. Lãnh đạo TP lắng nghe, trao đổi và cùng thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ.
Tại buổi đối thoại có 36 lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Novaland, Đại Quang Minh, Nam Long, CT Group, Lê Thành, Khang Điền... tham dự. Nhiều doanh nghiệp hiện nay như Novaland đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý tại các dự án đang triển khai. Điều này khiến lãnh đạo Novaland phải gửi đơn kiến nghị đến Bộ Xây dựng để xin tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vào ngày mồng 1 Tết vừa qua.
Tình trạng vướng thủ tục pháp lý đất đai không chỉ có Novaland mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng vướng, nhiều dự án đã triển khai được hơn 50% khối lượng phải dừng thi công, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Theo thông tin từ HoREA, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.
Tháng 3/2019, lãnh đạo TP.HCM và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.
Kết quả là năm 2019, toàn TP.HCM chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, tương đương tỷ lệ 92%. Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án, tương đương 85%. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 64 dự án, tương đương 80%.
Tình trạng sụt giảm nguồn cung là nút thắt lớn của thị trường bất động sản TP.HCM trong 2 năm qua, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Hiện TP.HCM có khoảng 15.000 doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản. Trong năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Riêng ngành xây dựng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%, tỷ trọng đóng góp cho GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong chín nhóm ngành dịch vụ.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu.
Theo Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thì một trong những nguyên nhân là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch, đô thị chưa thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành.
Cùng với đó, nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy, chưa đảm bảo quy trình liên thông, đồng bộ trong việc giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, công ty ông gặp khó khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). Dự án này có quy mô hơn 2.100 căn hộ. Công ty Lê Thành nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa được duyệt
Lý do hiện các sở, ngành đang loay hoay chưa tìm ra hướng tháo gỡ về quy hoạch cho dự án. Cụ thể, khu vực Công ty Lê Thành xin lập dự án được quy hoạch chức năng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng và mật độ xây dựng 30%. Tuy nhiên hệ số sử dụng đất chỉ cho 2 nên chủ đầu tư không làm được.
Theo tính toán, nếu với tầng cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% thì hệ số sử dụng đất phải cho lên 4,5. Chưa kể theo quy định dự án nhà ở xã hội được phép tăng thêm 50% hệ số sử dụng đất. Công ty Lê Thành nhiều lần kiến nghị các sở, ngành liên quan tính toán tăng hệ số sử dụng đất lên nhưng chưa được giải quyết.
Nghịch lý hơn, khi Công ty Lê Thành tính toán theo hướng áp dụng hệ số sử dụng đất 2 để điều chỉnh chiều cao dự án xuống nhà ở thấp tầng, quy mô 5 tầng thì các sở cũng không cho vì khu vực này quy hoạch cao tầng.
Khi nghe ông Nghĩa trình bày, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong hỏi lại: "Các sở nói sai nhưng có hướng dẫn không?". Ông Nghĩa cho biết: "Các sở có tổ chức họp tổ liên ngành nhưng họp hoài cũng không ra được phương án giải quyết".
Nghe đến đó, ông Phong bức xúc: "Chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần thôi. Đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các sở để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất khó khăn. Họ vay ngân hàng làm dự án mà thủ tục kéo dài như thế này càng khó khăn hơn".
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành phải quyết liệt hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành tập trung trả lời cụ thể, rõ ràng những phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp sớm triển khai dự án.
Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành phải quyết liệt hơn. Làm được thì trả lời ngay cho doanh nghiệp. Nếu không thì phải cho dự án dừng lại, không thể kéo dài mãi. Doanh nghiệp phát triển là thành công của thành phố. Còn khi doanh nghiệp khó khăn, phải chia sẻ. Không nên thấy khó khăn lại càng tạo thêm khó khăn. Với tư cách là người phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, lãnh đạo các sở, ngành phải cùng dân lắng nghe, có giải pháp quyết liệt hơn, làm đúng theo pháp luật.
Với vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở, ngành chuyên môn có văn bản tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và tham mưu cho UBND thành phố xây dựng các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tại hội nghị Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đề xuất một số phương án xử lý đối với phần đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp.
Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẹt các phần đất thuộc Nhà nước quản lý (đất rạch, đường, bờ đất… thường có hình dáng bất định hình, nằm xen kẹt rải rác trong khu đất dự án). Tỷ lệ đất thuộc Nhà nước quản lý thường chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích dự án.
Trước đó, vào những ngày đầu năm mới 2020 đã có những doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP. Hồ Chí Minh phản ánh nhiều khó khăn về mặt chính sách. Đặc biệt là các vướng mắc trong thủ tục xin phép, phê duyệt đầu tư dự án. Thực trạng hàng loạt hồ sơ nằm lại trên bàn các sở, ngành không được ký duyệt trong một thời gian dài.
Hiện UBND TP.HCM đã giao Sở Tài nguyên môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan thông báo đến các doanh nghiệp là chủ đầu tư của 124 dự án đang bị tạm ngưng về việc được tiếp tục thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc đầu tư dự án.
Các dự án này đang được triển khai và đã bị tạm ngưng qua các đợt rà soát thủ tục đầu tư của các cơ quan chức năng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra. Các bước thủ tục của những dự án này đang nằm ở nhiều cơ quan khác nhau.
Ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM hiện còn hơn 30 dự án khác chưa thể cho triển khai tiếp vì vướng công tác thanh, kiểm tra, điều tra. Khi có kết luận của cơ quan chức năng, TP.HCM sẽ tiếp tục xử lý.
Theo Nhật Xuân (DNVN)
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tp-hcm-tim-cach-thao-go-ach-tac-ve-thu-tuc-dau-tu-cho-thi-truong-bat-dong-san/20200223091818462"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/tphcm-tim-cach-thao-go-ach-tac-ve-thu-tuc-dau-tu-cho-thi-truong-bat-dong-san-a1288.html