Chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế của ông Văn một ngày đầu xuân. Con đường nhỏ dẫn vào trang trại rộng gần 6ha được trải bê tông nằm ngay cạnh quốc lộ 4D. Xuất hiện trước chúng tôi là người đàn ông ngót 60 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, nước da rám nắng đang tỷ mẩn kiểm tra từng chùm hoa, chùm quả trong vườn mắc ca. Hỏi ra mới biết, đây là thói quen của ông Văn nhiều năm nay, thời điểm này, cây mắc ca đang ra hoa và bắt đầu đậu quả nên ngày nào ông cũng đi một vòng quanh vườn để kiểm tra. Ông nói, trồng cây gì cũng vậy, phải thường xuyên thăm nom và chăm sóc cây mới sinh trưởng tốt và cho năng suất cao.
Chỉ tay vào những cây mắc ca hơn 5 năm tuổi cao gần 4m ông Văn chia sẻ: Đây là những cây mắc ca đầu tiên tôi trồng, số lượng cho thu hoạch quả là 500 cây. Cách đây 1- 2 năm, mỗi cây trung bình chỉ cho thu hoạch từ 45 – 50kg quả thì năm vừa qua đạt từ 65 – 70kg quả, có cây cả tạ. Tính theo giá thị trường đạt 80 nghìn đồng/kg, làm phép tính đơn giản thì mỗi cây mắc ca mang về gần 6 triệu đồng/vụ.
Trước khi toàn tâm toàn ý với cây mắc ca, ông Văn đã bươn trải rất nhiều nghề như: trồng chè, đóng gạch, chăn nuôi… Lao động vất quanh năm nhưng chỉ đủ ăn, nhìn người vợ đau ốm liên miên cùng 3 con gái tuổi ăn tuổi lớn ông lo lắng, nhiều đêm trằn trọc.
Năm 2014, sử dụng số tiền đền bù giải tỏa đất, ông chuyền hướng phát triển kinh tế, mua đất đồi trồng mắc ca và cây ăn quả. Ban đầu ông tính, dù sản lượng có thấp, giá rẻ sẽ trồng số lượng lớn để bù lại, nhưng không phụ công căm sóc, cây trồng cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao. Mắc ca đạt sản lượng khác xa so với lý thuyết, bởi thực tế 2 năm tuổi bắt đầu ra hoa - bói quả, bước sang năm thứ 3 mỗi cây mắc ca cho thu hoạch từ 7 – 10kg, năm thứ 5 thì cho sản lượng cao gấp chục lần.
Trải lòng về kinh nghiệm trồng mắc ca, ông Văn tâm sự: Ban đầu vì chưa hiểu rõ đặc tính cũng như kỹ thuật chăm sóc loại cây mới này, tôi không dám đầu tư trồng đồng loạt. Năm đầu, tôi chỉ trồng hơn 100 cây, sau một thời gian thấy sinh trưởng, phát triển tốt thì tiếp tục mua thêm cây giống. Mỗi năm trồng thêm một ít, đến nay tôi sở hữu vườn mắc ca với hơn 1.500 cây. Tôi trồng nhiều loại mắc ca để bổ trợ cho nhau trong việc thụ phấn, ra hoa, đậu quả. Để mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, việc lựa chọn cây giống rất quan trọng, cần chọn cây giống được chiết đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, nếu vòng quấn quá tay sẽ làm dễ cây bị om, thối gốc, có sống cũng còi cọc. Trước khi trồng phải đào hố và bón lót để đảm bảo cho cây bén rễ nhanh và đủ chất dinh dưỡng giai đoạn đầu, ngoài ra bón lót còn phòng trừ các loại mối, kiến và giun cắn rễ… Cần bón thúc cho cây mắc ca bằng phân chuồng và phân NPK vào khoảng giữa tháng 2 hàng năm.
Để giữ độ ẩm cần thiết và giảm chi phí tưới tiêu, ông Văn thường xuống giống vào đầu mùa mưa, sau đó trồng xen ngô, khoai lang. Do đó, vườn cây 6ha của ông không hề có hệ thống tưới tiêu nhưng đều phát triển xanh tốt. Ngoài bón phân đủ liều lượng và đúng thời điểm, ông Văn còn thường xuyên làm cỏ, tỉa cành, tạo tán cho cây mắc ca, đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt.
"Cây mắc ca phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở thành phố Lai Châu, dễ trồng lại không tốn nhiều công chăm sóc. Tốt nhất nên trồng bằng cây ghép chứ không sử dụng hạt, bởi cây không những phát triển nhanh còn hạn chế được sâu bệnh. Như các anh thấy đấy, để tận dụng diện tích và tăng thêm thu nhập, ngoài trồng mắc ca tôi còn trồng thêm bưởi da xanh, xoài thái, mít và nhãn, mỗi loại cũng vài trăm gốc. Tất cả đều đã cho thu hoạch, có cây bưởi cho 300 – 400 quả…" - ông Văn hồ hởi cho biết thêm.
Nhìn ngôi nhà xây kiên cố rộng rãi cùng những vật dụng sinh hoạt đắt tiền của gia đình ông Văn chúng tôi thầm khâm phục nghị lực, ý chí từ người nông dân dám nghĩ dám làm. Với mức thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của ông.
Theo DNVN
"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/lai-chau-tro-thanh-ty-phu-tu-trong-cay-mac-ca/20200222103713522"
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/lai-chau-tro-thanh-ty-phu-tu-trong-cay-mac-ca-a1286.html