Dược sĩ Việt ở Đức hướng dẫn cách phân biệt F0 nhiễm Omicron và F0 nhiễm biến thể Delta

Hai đặc điểm khác biệt nhất để phân biệt bản thân nhiễm Delta hay Omicron chính là mất khứu giác và vị giác. Đối với Omicron người bệnh hầu hết không gặp tình trạng này.

duoc-1646990733.png

Hiện nay, tại Việt Nam 2 biến thể virus SARS-CoV-2 là Delta và Omicron đang chiếm ưu thế. Nhiều người hiện nay khi mắc COVID-19 không phân biệt được, bản thân đang mắc loại biến thể nào để phòng chừng. Dưới đây là một số triệu chứng cơ bản và khác nhau để phân biệt 2 biến thể này.

Các triệu chứng của biến thể Delta

Thời gian ủ bệnh, tức là thời gian từ khi nhiễm bệnh đến khi khởi phát bệnh ở biến thể Delta ngắn hơn biến thể Alpha và biến thể gốc ban đầu.

Do đó, bệnh nhân sẽ cảm nhận các triệu chứng nhanh hơn khoảng hai tới ba ngày, hoặc lâu hơn là từ 7-14 ngày. Các triệu chứng của biến thể Delta khác với các triệu chứng của bệnh Covid thông thường. Mặc dù sốt vẫn là một trong những triệu chứng phổ biến nhưng sự suy giảm khứu giác và vị giác là hai triệu chứng phổ biến nhất với biến thể Delta.

Các triệu chứng khác của biến thể Delta bao gồm đau đầu, đau họng và chảy nước mũi. Vì vậy, biến thể Delta rất có thể dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường.

Các triệu chứng của biến thể Omicron là gì?

Biến thể Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn nhất trong các biến thể. Đã có những nghiên cứu thực hiện quan sát và thấy rằng thời gian ủ bệnh của Omicron là ba ngày. Trước đó, thời gian ủ bệnh ước tính từ năm đến sáu ngày, thậm chí có thể kéo dài đến 14 ngày.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp loại nguy cơ của Omicron là "rất cao" từ ngày 29 tháng 11 năm 2021. Theo định nghĩa của WHO, phân loại này là một tín hiệu cho thấy một biến thể có thể dễ lây lan hơn và có nguy cơ làm giảm tính hiệu quả của các biện pháp tiêm chủng, thuốc điều trị thông thường.

Các quan sát với biến thể Omicron cho thấy các triệu chứng của biến thể này bao gồm đau họng và có xác suất thường xuyên hơn so với các biến thể khác.

Tuy nhiên, trái ngược với biến thể Delta, Omicron ít khi làm người bệnh mất khứu giác và vị giác. Với biến thể Omicron, chúng thường gây ra các triệu chứng bệnh ở miệng, cổ họng, amidan và các hạch bạch huyết ở bệnh nhân nhiều hơn là ở phổi.

Dữ liệu từ tỉnh Gauteng ở Nam Phi được công bố gần đây cho thấy tỷ lệ nhập viện trong đợt sóng Omicron thấp hơn so với các đợt trước đó dù số lượng bệnh nhân mắc Covid cao hơn.

Ngoài ra, khi đánh giá dữ liệu, Cơ quan An ninh Y tế Anh ước tính rằng những người bị nhiễm Omicron có nguy cơ phải đến bệnh viện hoặc nhập viện thấp hơn 50% so với những người bị nhiễm trùng do biến thể Delta. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ nhập viện ở những người bị nhiễm Omicron được tiêm chủng kép giảm 65% và giảm khoảng 81% ở những người đã được tiêm tăng cường mũi thứ ba so với nhóm không được tiêm chủng.

Omicron và Delta lây nhiễm như thế nào?

Bất kể biến thể nào hiện đang lưu hành thì mức độ lây lan của Sars-CoV-2 là rất cao, virus có thể lây truyền rất dễ dàng từ người này sang người khác. Điều đó đúng với biến chủng Alpha, Delta và bây giờ còn đúng hơn với Omicron. Theo thống kê, các ca nhiễm trùng với biến thể Omicron sẽ tăng gấp đôi cứ sau hai đến bốn ngày.

Đối với biến thể Delta, tốc độ lây lan không diễn ra nhanh chóng như vậy. Một lý do cho điều này có thể là các đột biến khác nhau đã được phát hiện ở cấp độ phân tử, qua đó làm tăng khả năng lây truyền của virus.

Hệ số sinh sản cơ bản (R0) là một thước đo khả năng lây nhiễm của virus. Các nhà nghiên cứu Đan Mạch ước tính hệ số sinh sản cơ bản của biến thể Delta là 5 (dao động từ 3,2 đến 8). Điều này có nghĩa là trung bình một người nào đó bị nhiễm biến thể của virus sẽ lây nhiễm cho gần 5 người khác.

Số lượng sinh sản hiệu quả của Omicron cao gấp 3,19 lần so với Delta. Tương tự, nghiên cứu của Nhật Bản kết luận Omicron có khả năng lây truyền cao gấp 4,2 lần so với Delta. Vì vậy, trong một nhóm người hoàn toàn nhạy cảm (chưa tiêm chủng và chưa bị nhiễm bệnh), trung bình một người nhiễm Omicron có thể truyền virus cho khoảng 20 người khác. Điều này làm cho Omicron trở thành một trong những tác nhân lây nhiễm nhiều nhất được biết đến.

Các dữ liệu nghiên cứu lâm sàng từ 12 quốc gia tham gia vào một nghiên cứu chuyên sâu về biến thể Omicron so với Delta cho thấy tỷ lệ nhập viện giảm từ 53 đến 90% và nguy cơ tử vong giảm 70 đến 91%. Tỷ lệ bệnh nhân cần được kết nối với máy thở cũng thấp hơn từ 84 đến 100%. Tỷ lệ các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron không có triệu chứng có thể cao hơn 7 đến 12 lần so với các biến thể trước đó.

TS.DS Tạ Thanh Sơn

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/duoc-si-viet-o-duc-huong-dan-cach-phan-biet-f0-nhiem-omicron-va-f0-nhiem-bien-the-delta-a12842.html