Mới đây, trang Fintech của Singapore đưa tin, năm 2021 là một năm thành công đối với lĩnh vực fintech của Việt Nam. Theo đó, trong bối cảnh các hạn chế của đại dịch COVID-19 và sự quan tâm của nhà đầu tư, lĩnh vực fintech ở Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng của người tiêu dùng đối với các giải pháp tài chính kỹ thuật số trong năm 2021.
Theo báo cáo Fintech in ASEAN 2021 của Ngân hàng UOB (Singapore), các công ty fintech Việt Nam đã huy động được tổng cộng 375 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021, đưa quốc gia này lên vị trí thứ 3 về số vốn đầu tư vào fintech trên toàn ASEAN. Trong đó, thỏa thuận lớn nhất thuộc về VNPay (250 triệu USD ở vòng gọi vốn Series B).
Tuy nhiên, các chuyên gia Singapore nhận định, hai phần ba số vòng gọi vốn trong năm 2021 của các công ty khởi nghiệp Việt Nam mới đang ở giai đoạn tiền hạt giống (pre-seed), cho thấy lĩnh vực fintech của Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang phát triển.
Lượng vốn tài trợ cho Fintech tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021. Nguồn: Fintech in ASEAN 2021
Trên cơ sở đó, Fintech Singapore đã chọn ra năm công ty khởi nghiệp fintech giai đoạn đầu có tiềm năng để đưa vào danh sách quan tâm trong năm 2022.
"Các công ty khởi nghiệp này đều được thành lập trong vòng ba năm qua, nhưng đang tạo ra làn sóng đầu tư từ nguồn vốn của các nhà đầu tư nổi tiếng và ghi nhận mức tăng trưởng khách hàng mạnh mẽ trong năm qua", Fintech Singapore nhận định.
Infina
Ra mắt vào tháng 1/2021, Infina là một ứng dụng đầu tư bán lẻ với mong muốn trở thành "Robinhood của Việt Nam".
Công ty làm việc với các đối tác bao gồm Dragon Capital, ACB Capital, Mirae Asset Fund Management và Viet Capital Asset Management, cho phép các nhà đầu tư chọn một số tài sản để đầu tư bao gồm tài khoản tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, bất động sản phân đoạn và quỹ tương hỗ. Được biết, để bắt đầu đầu tư, số vốn yêu cầu chỉ từ 0,5 USD cho giao dịch cổ phiếu và 4 USD cho quỹ.
Infina cho biết, doanh nghiệp đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng tháng là 64% trong các tài khoản được tài trợ vào năm 2021 và phục vụ "hàng chục nghìn người dùng". Theo đó, Công ty khởi nghiệp này đã huy động được 6 triệu USD tài trợ ở vòng hạt giống, số tiền sẽ sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng cung cấp sản phẩm của công ty.
AnFin
Theo VinaCapital, chỉ 3% trong số 100 triệu dân Việt Nam có tài khoản môi giới chứng khoán. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lên 10% vào năm 2030.
AnFin là một ứng dụng theo dõi chứng khoán khác của Việt Nam đang tạo ra làn sóng trong lĩnh vực fintech trong nước. Công ty khởi nghiệp cung cấp giao dịch cổ phiếu phân đoạn theo thời gian thực và cho phép người dùng bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu chỉ từ 0,5 USD. Ứng dụng hỗ trợ khoảng 150 cổ phiếu và có khả năng quản lý danh mục đầu tư, nguồn cấp tin tức và trung tâm kiến thức.
AnFin được thành lập vào năm 2021, đã huy động vốn từ các nhà đầu tư nổi tiếng bao gồm Global Founders Capital (GFC), First Check Ventures và R2 Venture Partners. Gần đây nhất, công ty đã huy động được 1,2 triệu USD trong vòng hạt giống, số tiền huy động sẽ được công ty sử dụng để phát triển thêm nền tảng giao dịch của mình.
Công nghệ Nano
Nano Technologies là nhà phát triển của Vui, một ứng dụng di động cung cấp giải pháp ứng lương cho người lao động. Ứng dụng được thiết kế cho người lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bán lẻ, thực phẩm và đồ uống đến sản xuất và xây dựng có thu nhập hàng tháng dưới 15 triệu đồng (650 USD).
Nhờ tiếp cận được thu nhập làm ra khi cần, người lao động sẽ không phải tìm đến các khoản vay ngoài lãi suất có thể lên đến 300-500% một năm, đồng thời, giúp các công ty tăng tỷ lệ giữ chân nhân sự.
Chỉ trong sáu tháng sau khi ra mắt, ứng dụng đã được sử dụng bởi hơn 20.000 nhân viên từ các công ty như GS25, LanChi Mart và Annam Gourmet. Công ty cho biết, khoảng 50% - 60% nhân viên đăng ký ứng dụng Vui và sử dụng dịch vụ này khoảng ba lần mỗi tháng để rút tiền lương.
Được thành lập vào năm 2020, Nano Technologies đã huy động được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống vào năm ngoái.
Gimo
Tương tự như Vui, Gimo cung cấp dịch vụ ứng lương cho người lao động thông qua một ứng dụng di động được tích hợp với hệ thống tính lương của công ty. Ứng dụng này cũng cho phép người dùng theo dõi ngày làm việc và thu nhập hàng ngày Đồng thời, ứng dụng cũng cung cấp cho người lao động các mẹo tài chính cá nhân.
Công ty được thành lập vào năm 2019 nhưng chỉ chính thức triển khai dịch vụ vào đầu năm 2021. Tính đến tháng 11/2021, công ty cho biết đã ứng lương cho hơn 25.000 công nhân, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán lẻ, tăng trưởng với tốc độ hàng tháng là 130%.
Năm 2021, Gimo đã gọi vốn thành công 1,9 triệu USD. Được biết, số tiền gọi vốn sẽ được sử dụng để tích hợp các công nghệ tiên tiến, bao gồm phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tuyển dụng các kỹ sư cấp cao và tăng cường năng lực quản lý rủi ro.
Bizzi
Bizzi là nhà phát triển công cụ tự động hóa kế toán nhằm đơn giản hóa và số hóa các hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Bizzi hoạt động dựa trên phần mềm kế toán hiện có, tận dụng các công nghệ bao gồm tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và máy học để tự động hóa các quy trình như thanh toán hóa đơn, quét biên nhận, tuân thủ và ghi sổ.
Công ty cho biết, giải pháp sẽ giúp giảm 80% thời gian xử lý hóa đơn, giảm 50% chi phí và tăng cường tính minh bạch và tuân thủ thuế.
Được thành lập vào năm 2019, Bizzi cho biết, công ty đã đạt được giá trị xử lý hóa đơn vượt 300 triệu USD mỗi tháng. Công ty phục vụ hơn 100 khách hàng lớn bao gồm Grab, GS25, Circle K, Tiki và có hơn 4.000 nhà cung cấp sử dụng nền tảng này hàng ngày.
Theo đó, vào tháng 10/2021, Bizzi đã huy động thành công vòng gọi vốn Pre-Series A trị giá 3 triệu USD.
Giang Anh