Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố ấn phẩm Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2020.
Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) bất kỳ của phụ nữ 15-49 tuổi hiện đang có chồng đạt 74,7%, giảm nhẹ so với các năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn đang ở mức cao.
So sánh theo khu vực thành thị và nông thôn, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn ở thành thị gần 5 điểm phần trăm (76,4% so với 71,5%, theo tuần tự).
Tỷ lệ sử dụng BPTT phụ nữ 15-49 tuổi hiện có chồng chia theo thành thị/nông thôn và vùng kinh tế - xã hội. Nguồn: TCTK
Nếu xem xét theo mức độ ưa thích loại BPTT (hiện đại và truyền thống/khác) thì ưu thế vượt trội luôn thuộc về các biện pháp tránh thai hiện đại.
Giữa các vùng kinh tế - xã hội, tỷ lệ sử dụng BPTT bất kỳ của phụ nữ 15-49 tuổi hiện đang có chồng đạt cao nhất ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (77,3%), tiếp sau là vùng Tây Nguyên (76,3%) và Đồng bằng sông Cửu Long (75,9%).
Tỷ lệ này thấp nhất là ở vùng Đông Nam Bộ (69,5%). Khác biệt vùng miền về tỷ lệ này giữa mức cao nhất và mức thấp nhất hiện vào khoảng 7,8 điểm phần trăm.
Báo cáo cũng thống kê các biện pháp tránh thai hiện được sử dụng rộng rãi nhất ở Việt Nam hiện nay. Kết quả cho thấy vòng tránh thai là lựa chọn số 1 của phụ nữ, duy trì ở mức khá cao qua các năm.
Năm 2020 trong tổng số phụ nữ 15-49 tuổi sử dụng BPTT, thì số phụ nữ sử dụng biện pháp này 5.864.259 người (chiếm 45,3%).
Tiếp theo là "uống thuốc tránh thai" với 2.958.090 người và 2.259.891 người sử dụng BPTT "bao cao su" (chiếm 23,2% và 18,1% theo tuần tự).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tỷ trọng phụ nữ sử dụng BPTT truyền thống (tính vòng kinh/xuất tinh ngoài) đạt khoảng 10% (1.303.570 người).
Theo kết quả cuộc Điều tra biến động dân số 2020, trong số những phụ nữ 15-49 tuổi có chồng hiện không sử dụng các BPTT theo lý do chính không sử dụng, tỷ trọng phụ nữ ở phân tổ "lý do muốn có con" chiếm 42,9% và ở phân tổ "lý do đang mang thai" chiếm 12,3% tổng số.
Trong nhóm "khác" (hiện đang là 44,8%), đáng chú ý có lý do khó thụ thai/đã mãn kinh chiếm 10,9% tổng số.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Xem xét mối tương quan giữa tỷ lệ không sử dụng BPTT và nhóm tuổi của phụ nữ, báo cáo cho thấy có hai xu hướng đối lập nhau.
Phụ nữ càng trẻ thì tỷ lệ không sử dụng BPTT theo các nguyên nhân “đang mang thai” và “muốn có con” càng cao. Ngược lại, với các nguyên nhân khác như “khó thụ thai/đã mãn kinh”, “sức khỏe yếu” thì tỷ lệ không sử dụng BPTT thấp ở nhóm tuổi trẻ và tăng dần theo độ tuổi.
Anh Tuấn
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/ty-le-su-dung-bien-phap-tranh-thai-cua-phu-nu-o-vung-nong-thon-cao-hon-o-thanh-thi-a12830.html