Anh Nguyễn Đăng Huy – làm nghề kinh doanh quán ăn tại quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng việc công bố số ca nhiễm Covid-19 mới không chỉ có tác động đến đời sống người dân mà còn tác động đến kinh tế.
Theo anh Huy, dựa vào số ca nhiễm, người kinh doanh như anh có thể đưa ra kế hoạch dừng hay tiếp tục mở quán trong từng thời điểm dịch.
"Nếu số ca nhiễm cao, người ra đường ăn uống sẽ ít, trong khi ca nhiễm thấp sẽ giúp quán của tôi có nhiều khách hơn", anh Huy cho biết qua bản tin công bố ca nhiễm hàng ngày anh có thể chủ động trong vấn đề kinh doanh của cửa hàng.
Cùng quan điểm với anh Huy, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường Đại học Y Dược TP.HCM), cho rằng việc thông báo số ca đến người dân vẫn rất cần thiết.
Theo ông Dũng, đếm số ca là cơ sở dữ liệu cho phòng chống dịch, xử lý những tình huống kịp thời khi có sự xuất hiện biến chủng mới hoặc tình huống đặc biệt.
"Không công bố số ca là chưa phù hợp lắm. Tư duy che giấu ca bệnh với người dân là không đúng", ông Dũng cho hay phải cho dân biết để dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Vì khi người dân không biết số ca bệnh tăng hay giảm sẽ tạo tâm lý chủ quan không phòng bệnh.
Trong trường hợp ca bệnh tăng đột biên, nhà nước ra yêu cầu hạn chế sinh hoạt của người dân, tăng giờ giới nghiêm sẽ dẫn đến sự phản ứng trái chiều vì người dân không nắm được tình hình. Để cho dân biết, để dân đồng thuận và làm, nếu dân không biết thì sẽ không đồng thuận và không làm theo.
"Bình thường lễ Tết chúng ta công bố ca tử vong do tai nạn giao thông, tai nạn rượu bia với mục đích để người dân cảnh giác, thì việc công bố ca bệnh Covid-19 cũng như thế, nó giúp người dân cảnh giác hơn", ông Dũng nói.
Chia sẻ, về việc thay thế ca Covid-19 hàng ngày bằng việc thông báo ca tử vong, ông Dũng cho rằng việc công bố ca tử vong là quá muộn để kiểm soát dịch bệnh, nếu nó bùng phát mạnh.
Theo ông Dũng, một người khi mắc Covid-19 phải từ 7 đến 10 ngày mới chuyển nặng, và phải một tháng sau mới tử vong. Nên việc thay thế bằng con số tử vong là không hợp lý, muộn hơn một tháng so với số ca mắc thực tế.
Không dùng lại ở đó, ông Dũng phân tích việc dừng công bố ca bệnh còn làm bạn bè quốc tế e dè mình hơn.
"Ở các nước quốc tế họ vẫn công bố ca bệnh, có ngày hàng nghìn, hàng triệu ca. Một số nước họ cho phép người dân đến các quốc gia có tỷ lệ nhiễm cao, nhưng không khuyến khích người dân đến những quốc gia dừng công bố ca bệnh", ông Dũng cho rằng nếu không gặp phiền hà gì thì vẫn nên duy trì công bố ca bệnh.
Trái với quan điểm của PSG Đỗ Văn Dũng, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng có thể dừng việc thông báo số ca Covid-19 đến người dân.
Theo ông Phu, hiện nay số ca mắc cộng đồng cao, con số thống kê chỉ tương đối, khó chính xác. Thực tế, có nhiều trường hợp bị nhiễm nhưng không khai báo hoặc một số nơi y tế quá tải, F0 khó liên hệ khai báo. Việc dừng công bố ca nhiễm mới sẽ tránh gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Tuy nhiên, PGS. TS Trần Đắc Phu cho hay dừng công bố số ca nhiễm nhưng các nhà quản lý và ngành y tế các địa phương vẫn cần nắm rõ số ca mắc.
"Có nắm được ca mắc mới dự báo được dịch, nắm được tình hình xác định chiều hướng của dịch bệnh, xác định được mức độ nặng nhẹ, bùng phát hay không của dịch bệnh và đưa ra cách xử lý", ông Phu nói.
Thay vì công bố ca bệnh hàng ngày, ông Phu cho rằng nên áp dụng phương pháp giám sát dịch bệnh khác, ví dụ như giám sát điểm hoặc báo cáo số liệu của từng địa phương, sau đó đưa ra dự báo để cảnh báo người dân.
"Dựa trên các phương pháp giám sát dịch bệnh để dự báo lúc nào và tại đâu dịch bệnh lên cao điểm, mức độ trầm trọng ra sao, có biến thể mới hay có quá tải hệ thống y tế hay không? Từ đó đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu người dân phòng bệnh", ông Phu nói và nhấn mạnh cần tập trung tuyên truyền các biện pháp dự phòng, hướng dẫn người dân điều trị, khuyến cáo biện pháp phòng bệnh. Không để xảy ra trường hợp không công bố ca mắc mới mà lơ là phòng dịch.
Ngày 5/3 Bộ Y tế đề xuất lên Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày. Mặc dù chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành thông thường, nhưng Bộ Y tế đã có các đề xuất mới nhất "cởi mở" hơn trong ứng phó với dịch bệnh này.
Bộ Y tế cho rằng số ca Covid-19 hiện chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh. Tạm dừng việc thông báo số nhiễm để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh Theo đó, các địa phương sẽ chủ động đánh giá về mức độ dịch.
Trong tháng qua, số ca nhiễm mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết tỉnh, thành. Trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận từ 50.000 đến 75.000 ca nhiễm mới; ngày cao nhất 125.000 ca. Một trong những nguyên nhân là biến thể Omicron lây nhiễm nhanh, phổ biến ở các địa phương, nhất là tại Hà Nội và TP HCM. Omicron dần thay thể Delta.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, do tỷ lệ bao phủ vaccine trên phạm vi toàn quốc cao và nhóm nguy cơ cao được chăm sóc, nên tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm giảm sâu. Cụ thể, tỷ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%); ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 198% nhưng số ca tử vong giảm 47%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43%.
Đăng Khoa
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-de-xuat-dung-cong-bo-ca-benh-covid-19-cua-bo-y-te-a12799.html