Chuyên gia Ngô Trí Long: Lạm phát từ giá xăng dầu năm 2022, cụ thể là quý I rất lớn

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính nhận xét, giá xăng dầu tăng cao đang đè nặng lên áp lực lạm phát năm nay.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên. Nhưng lạm phát tăng cao do giá dầu tăng chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực. 

Tiến sỹ Long nhận định: Khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể bị chững lại, khi nguồn nhiên liệu đầu vào có tính chiến lược như xăng dầu không sớm hạ nhiệt. 

Chuyên gia Ngô Trí Long: Lạm phát từ giá xăng dầu năm 2022, trong quý I rất lớn. Ảnh minh họa internet

Chuyên gia Ngô Trí Long: Lạm phát từ giá xăng dầu năm 2022, trong quý I rất lớn. Ảnh minh họa internet

Yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Cụ thể, giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp đến những ngành tiêu thụ xăng dầu như vận tải, đánh bắt cá xa bờ, logistics…Đánh bắt cá xa bờ, với giá xăng dầu tăng cao, bình quân mỗi chuyến biển ngư dân phải tăng chi phí 20-25% so với cùng kỳ năm 2021. Hay đối với logistics và vận tải, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, khi giá xăng dầu tăng cao cũng khiến chi phí tăng lên. 

Về tác động gián tiếp, bất kỳ sản phẩm nào sau khi sản xuất cũng phải đưa đến tay người tiêu dùng, phải có chi phí vận chuyển, khi giá cước vận chuyển tăng khiến giá thành sản phẩm bán ra sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức mua. Tiến sỹ Long cho rằng, áp lực lạm phát năm 2022, cụ thể là trong quý I rất lớn.

Tiến sỹ Long phân tích: Nghị quyết Quốc hội đã đưa ra giảm xuống 2%, nhưng VAT có 03 mức loại thuế suất: 0%, 5% và 10%. Trong loại 10% giảm xuống 8%, nhưng không phải tất cả nhóm thuế VAT 10% đều được giảm 2%. Đối với nhóm có thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng dầu không giảm, vì đây là những loại không khuyến khích sử dụng. Như vậy, khả năng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay chỉ có thể dựa vào 3 yếu tố: Thứ nhất, khả năng giá xăng dầu thế giới giảm, thứ hai là giảm thuế và thứ ba là tăng chi quỹ bình ổn.

Ảnh minh họa internet

Chuyên gia Ngô Trí Long: Lạm phát từ giá xăng dầu năm 2022, trong quý I rất lớn. Ảnh minh họa internet

Nhưng tình hình chính trị - kinh tế thế giới hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, ngay cả nhóm OPEC cũng chưa có ý định tăng sản lượng khai thác nên trông chờ vào sự giảm giá từ thị trường thế giới rất khó, hoặc sẽ rất lâu. Đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong nước, do giá xăng dầu tăng kéo dài suốt nhiều tháng qua nên quỹ cũng đã sử dụng gần hết. Do đó, hiện nay nhiều ý kiến nghiêng về giảm thuế.

Theo quan điểm của chuyên gia Ngô Trí Long thì trong bối cảnh hiện nay nên xem xét việc giảm thuế môi trường để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế, giảm áp lực đầu vào cho doanh nghiệp.

Q.N

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/chuyen-gia-ngo-tri-long-lam-phat-tu-gia-xang-dau-nam-2022-cu-the-la-quy-i-rat-lon-a12743.html