Bộ Công Thương: Lượng xăng dầu vẫn đủ sử dụng đến hết tháng 3

Theo Bộ Công Thương, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung hiện tại đủ cung ứng cho thị trường đến hết tháng 3.

Tại buổi làm việc với các đầu mối xăng dầu chiều 22/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định với nguồn dự trữ trong nước còn dồi dào và nguồn nhập khẩu được bổ sung liên tục gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay đủ cung ứng cho thị trường đến hết tháng 3.

"Với mức 3,7 - 3,8 triệu tấn hiện có trong nước, từ nguồn xăng dầu dự trữ, từ nguồn cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là từ nguồn nhập khẩu tăng gấp 3 lần bình thường trong thời gian từ đầu tháng 2 đến nay, chúng ta có đủ lượng xăng dầu cung ra thị trường trong nước đến hết tháng 3. Khẳng định với nhân dân là chúng ta đủ lượng xăng dầu đến hết tháng 3.

Vụ Thị trường trong nước và Hiệp hội xăng dầu sẽ tham mưu cho Bộ để có thể phân bổ trong những ngày tới, đảm bảo không thiếu xăng dầu trên địa bàn cả nước đến hết tháng 3" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ Công Thương: Lượng xăng dầu vẫn đủ sử dụng đến hết tháng 3 - Ảnh 1.

Quản lý thị trường tung quân đi kiểm tra các cây xăng

Bộ trưởng cho biết từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ quyết định điều hành theo kịch bản. Theo đó, lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn nhập khẩu cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu từ tháng 3, doanh nghiệp nhập khẩu, tư nhân phân phối, bản lẻ xăng dầu đều phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin của doanh nghiệp và Bộ Công Thương.

"Doanh nghiệp nào găm hàng sẽ bị đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi đăng ký kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nâng cao trách nhiệm, chủ động tìm kiếm nguồn hàng cung cấp cho thị trường nội địa

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, thời gian tới nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.

“Quan điểm của Bộ Tài chính khi giảm thuế, phí, về góc độ nguồn thu ngân sách là rất áp lực. Nhưng các chính sách nhà nước cũng cần chia sẻ với người dân. Ở vấn đề xăng dầu chúng ta chưa dùng nguồn lực nhà nước, mà mới chỉ dùng nguồn lực xã hội, quỹ bình ổn để can thiệp. Giá dầu thô tăng cao thì nguồn thu từ đó cho ngân sách cũng cao hơn, vì vậy có thể cân nhắc giảm các yếu tố thuế, phí khác”- đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.

HM

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/bo-cong-thuong-luong-xang-dau-van-du-su-dung-den-het-thang-3-a12710.html