Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án "Thành lập 2-5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021-2025". Đề án được triển khai với mục đích cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp về rà soát, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. Qua đó, các KCN sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025.
Hà Nội xác định phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 KCN mới. Cụ thể gồm có KCN Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn; KCN Đông Anh, huyện Đông Anh; KCN Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín; KCN Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ và KCN Phụng Hiệp, huyện Thường Tín.
Theo dự kiến của thành phố, KCN có diện tích lớn nhất là KCN Phú Nghĩa mở rộng (389ha), sau đó là KCN Sóc Sơn (302.8ha), KCN Đông Anh (300ha), tiếp đến KCN Phụng Hiệp (174,88ha) và cuối cùng là KCN Bắc Thường Tín (112ha).
Ngoài 5 KCN này, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai và phát triển các KCN đã có chủ đầu tư như là KCN Quang Minh I, huyện Mê Linh và khu công nghệ cao sinh học Hà nội tại quận Bắc Từ Liêm. Ngoài ra, Thành phố còn thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).
Các KCN này được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa–hiện đại hóa của thành phố trong thời gian tới. Bên cạnh đó, KCN mới cũng được thực hiện theo chiến lược phát triển các KCN trên địa bàn thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển các KCN, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế–xã hội, quy hoạch sử dụng đất các địa phương của thành phố.
Hiện nay, Hà Nội có 10 KCN đang hoạt động với diện tích 1.347,42 ha, trong đó có 9 KCN với diện tích 1.270,5 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100% . Một trong những KCN nổi bật đó là KCN Thăng Long, KCN Nội bài, KCN Nam Thăng Long và KCN Quang Minh I. Các KCN của Hà Nội đã thu hút được 6,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài với 303 dự án. Không chỉ vậy, dòng vốn trong nước đổ vào các KCN đạt gần 18.000 tỷ đồng với gần 400 dự án.
Các KCN hiện đang hoạt động của Hà Nội đã tạo việc làm cho gần 165.000 người lao động trong năm 2021, bình quân 1ha đất tạo ra việc làm cho hơn 160 lao động. Do đó, xây dựng thêm nhiều KCN mới không chỉ tạo sự phát triển về mặt kinh tế mà còn tạo sự ổn định về an sinh–xã hội cho người dân.
Việc 5 KCN mới hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ tạo ra sự tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp, tạo sức mạnh tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Thủ đô. Quan trọng là KCN sẽ tạo ra nhiều việc làm cho người dân và đi kèm với thu nhập ổn định. Từ đó, KCN góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ phục vụ công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong thời gian tới.
Văn Minh
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/nhieu-huyen-o-ha-noi-se-co-them-khu-cong-nghiep-moi-a12688.html