Quy định với người về quê ăn Tết ở nhiều địa phương gây hoang mang bởi "phép Vua thua lệ làng"

Tết Nguyên Đán đến gần, số lượng người dân từ các thành phố lớn trở về quê ăn Tết ngày càng đông. Tuy nhiên, cùng với đó là những nỗi lo khi mỗi địa phương lại có một quy định khác nhau đối với việc cách ly người từ nơi khác trở về.

Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành chấn chỉnh việc cách ly người về quê ăn Tết kiểu "mỗi nơi một phách", gây khó khăn cho người dân nhưng nhiều địa phương vẫn  đưa ra những quy định gây khó khăn như liên tục tiến hành xét nghiệm, cách ly tập trung, thậm chí là khóa trái cửa... Chính việc này đã gây nên không ít bức xúc cho nhân dân.

Khóa trái cửa nhà dân khi có người từ vùng dịch trở về

Điển hình là vụ việc chính quyền xã Nam Cao, H.Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) việc khóa trái nhà dân trong 7 ngày do gia đình có hai cháu nhỏ về từ vùng đỏ. 

Cụ thể, theo báo Lao động, từ ngày 9/1 - 16/1, hộ bà S. ở thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao thực hiện cách ly y tế theo yêu cầu của chính quyền do có 2 cháu nhỏ về từ vùng dịch Hải Phòng (vùng đỏ).

Đáng nói, dù 2 cháu nhỏ đã khai báo y tế và xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính tại Trạm Y tế xã ngay khi về địa phương nhưng cả gia đình gồm 2 cháu và 2 ông bà vẫn phải thực hiện nghiêm việc cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày.

Quy định với người về quê ăn Tết ở nhiều địa phương gây hoang mang bởi phép Vua thua lệ làng - Ảnh 1.

Gia đình bà S. bị khóa trái cửa 7 ngày vì có 2 cháu nhỏ về từ vùng dịch (Ảnh: Tiền phong)

Thậm chí, chính quyền thôn còn khóa trái cửa nhà, giữ chìa khóa, treo thông báo trước cửa trong suốt thời gian gia đình thực hiện tự cách ly. Theo VietnamNet, trưởng thôn Cao Bạt Lụ là ông Phạm Ngọc Thao đã khóa trái cửa, giữ chìa khóa trong suốt 7 ngày mà không thăm hỏi tình hình những người cách ly ở bên trong. Gia đình phải nhờ hàng xóm mua hộ nhu yếu phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thành Khoa - Chủ tịch UBND xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) đã trao đổi với PV Lao động, trước đó trạm Y tế xã yêu cầu 2 cháu bà S. cách ly tại Trạm Y tế nhưng bà S. xin cho 2 cháu về tự cách ly tại nhà vì các cháu còn nhỏ, nếu cách ly tại trạm thì bà phải ra cách ly cùng để chăm sóc cháu, hơn nữa nhà rất gần trạm.

Cùng với đó, bà S. cũng cam kết sẽ nghiêm túc cho các cháu và gia đình cách ly tại nhà, đồng ý ký kết vào biên bản yêu cầu tự cách ly và tự nguyện với phương án tạm đóng cửa nhà trong thời gian cách ly.

Ông Khoa cũng cho hay, trong suốt 1 tuần thực hiện cách ly gia đình không có ý kiến gì, đến hôm hết cách ly lại xuất hiện thông tin như vậy: "Chúng tôi cũng chỉ muốn làm sao hạn chế thấp nhất lây lan dịch, để nhân dân đón Tết an toàn. Sai ở đâu chúng tôi xin chịu trách nhiệm ở đó và nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm".

Còn ông Phạm Ngọc Thao - Trưởng thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao - cho hay: "Trước đó bà ấy tự nguyện xin đưa các cháu về nhà để tự cách ly, bộ khóa nhà bà ấy có mấy chìa để mở, tôi giữ 1 chìa. Ví dụ có việc cấp bách cần ra ngoài ông bà ấy chỉ cần gọi các cháu ở gần qua mở cửa giúp là được. Nhà bà S. cũng là hộ khá giả, có điều kiện, trước khi cách ly đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm để dùng".

Tại cuộc họp vào ngày 18/01, ông Phạm Ngọc Thao đã bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Khoa - Chủ tịch UBND xã Nam Cao cũng đã đại diện chính quyền xã xin lỗi gia đình bà P.T.S công khai trên hệ thống loa phát thanh.

Tương tự như sự việc xảy ra ở Thái Bình nêu trên, ở xã Thiệu Phú (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng đã xảy ra tình trạng chính quyền thôn, xã mang khóa đến khóa cổng các hộ dân có người cách ly.

Quy định với người về quê ăn Tết ở nhiều địa phương gây hoang mang bởi phép Vua thua lệ làng - Ảnh 2.

Một hộ dân ở xã Thiệu Phú bị khoá cổng ngày 14/1. Ảnh: Lam Sơn

Cụ thể, tại xã Thiệu Phú, những gia đình có các trường hợp về từ vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), 4 (vùng đỏ) đều được đại diện UBND xã tới đến động viên và người dân tự nguyện cách ly tại nhà, đồng thời xã cho khóa cổng và giữ chìa khóa. Khi gia đình cần nhu cầu gì thì điện thoại liên hệ với người thân hoặc cán bộ thôn. Theo báo Lao động, thống kê đến chiều ngày 14/1, vẫn đang còn khoảng 30 hộ dân bị áp dụng hình thức này.

Trao đổi với báo Người lao động, ông Hoàng Ngọc Linh, Chủ tịch UBND xã Thiệu Phú, cho biết địa phương khóa cổng là thực hiện linh hoạt, nhằm hạn chế nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng bởi gần đây có nhiều người về từ vùng dịch nguy cơ cao, đang cách ly tại nhà nhưng đã đi ra khỏi nhà.

"Địa phương hiện có hơn 2.000 người đi làm ăn xa và những ngày gần đây, mỗi ngày có hàng chục người từ các địa phương khác về quê. Đến nay, xã Thiệu Phú đã ghi nhận 20 ca mắc Covid-19, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân nên chúng tôi đã vận động người dân khóa cổng và được đồng ý. Tuy nhiên, sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, xã đã tháo khóa cổng ngoài"- ông Linh thông tin.

Trước đó, nhiều địa phương tại Thanh Hóa cũng từng khiến nhiều người chú ý khi gửi thư ngỏ vận động người dân không về quê ăn Tết nếu không thực sự cần thiết. Theo nhiều người, điều này vô hình chung sẽ gây nên tâm lý "kỳ thị" của người dân địa phương đối với những người từ xa trở về.

Quy định xét nghiệm ngặt nghèo, thậm chí thực hiện cách ly tập trung

Theo báo Dân trí, tỉnh Yên Bái trước đó đã quy định người về từ vùng cam, đỏ, tiêm đủ vắc xin, phải xét nghiệm RT-PCR trước khi trở về; về tới địa bàn phải đến trạm y tế khai báo; sau đó cách ly tại nhà 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Hết cách ly, người dân theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm thêm lần nữa. Tổng thời gian cách ly, theo dõi 21 ngày, với 4 lần xét nghiệm.

Người ở vùng cam, đỏ chưa tiêm đủ liều vắc xin mũi thứ hai chưa qua 14 ngày, hoặc chưa tiêm vắc xin, phải thực hiện tương tự như trên, song thời gian cách ly 14 ngày, xét nghiệm 4 lần bằng PCR và tự theo dõi thêm 14 ngày nữa.

Người về từ vùng vàng tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, xét nghiệm bằng phương pháp PCR 2 lần, sau đó tự theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày nữa.

Người từ vùng xanh tự theo dõi sức khỏe 14 ngày. Người nào dừng/tiếp xúc với ba vùng còn lại thì phải đến cơ sở y tế gần nhất lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. Khi tự theo dõi sức khỏe, người dân không được tụ tập, tới nơi đông người và tuân thủ 5K.

Quy định với người về quê ăn Tết ở nhiều địa phương gây hoang mang bởi phép Vua thua lệ làng - Ảnh 3.

Yên Bái yêu cầu xét nghiệm đối với tất cả người trở về quê ăn Tết (Ảnh: Sức khỏe đời sống)

Trước những phản hồi và ý kiến của người dân, cho rằng các quy định phòng dịch đối với người dân về Yên Bái ăn Tết gây khó khăn và hoang mang cho người dân, ngày 17/1/2022 tỉnh Yên Bái đã ban hành văn bản mới.

Cụ thể, trong văn bản của tỉnh Yên Bái ban hành ngày 17/1 nêu rõ, để tạo điều kiện cho người dân về quê đón Tết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh này không yêu cầu người dân về tỉnh Yên Bái nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 phải xuất trình phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

"Tuy nhiên, khi về đến tỉnh, người dân phải đến trạm y tế nơi lưu trú (trước khi trở về nhà) để khai báo y tế và được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS- CoV-2, việc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát này là miễn phí", một lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái thông tin.

Dù không yêu cầu xét nghiệm hay xuất hiện trường hợp khóa trái cửa nhà dân như các tỉnh trên, tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh lại yêu cầu những người từ vùng đỏ, cam sẽ phải cách ly tập trung.

Cụ thể, theo báo Tuổi trẻ thông tin, người đã tiêm đủ hai liều vắc xin cách ly tập trung 7 ngày, xét nghiệm 2 lần, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Người chưa tiêm đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin, trong đó liều cuối cùng chưa qua 14 ngày phải cách ly tập trung 14 ngày, xét nghiệm 3 lần. Mọi chi phí cách ly và xét nghiệm sẽ do người dân tự chi trả. Tỉnh sẽ hỗ trợ chi trả cho những trường hợp khó khăn.

Điều này đã gây khó khăn cho người dân lao động muốn trở về tỉnh đón Tết. Thậm chí có người nghĩ đến việc không về nhà bởi thời gian cách ly quá dài và chi phí rất tốn kém. 

Trao đổi với chúng tôi, chị T. (quê Quảng Ninh) - hiện đang là NVVP tại Hà Nội cho hay: "Hiện tại khu vực quận mình sống vẫn là vùng vàng, nhưng tình hình dịch bệnh ở thủ đô đang diễn biến phức tạp, không biết thời gian sau khu vực mình liệu có lên vùng cam hay đỏ hay không. Nếu cấp độ dịch tăng cao, có khả năng mình sẽ phải ở lại đây đón Tết vì nếu trở về thì thời gian cách ly cũng đã quá thời gian kỳ nghỉ Tết. Hơn nữa chi phí cho cách ly tập trung cũng rất cao."

"Phép vua thua lệ làng"

Theo VNExpress, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân gọi tình trạng trên là "phép vua thua lệ làng", đi ngược lại với tinh thần thích ứng linh hoạt của Nghị quyết 128. Theo ông, việc ra quy định máy móc làm khó người dân thể hiện một bộ phận lãnh đạo còn chưa thích ứng được với tình hình mới. Đây còn là biểu hiện của việc không tuân thủ quy định của Chính phủ, chính quyền cấp dưới "chỉ lo giữ ghế" mà không quan tâm tới việc người dân chịu phiền hà ra sao.

Ông cho rằng, lãnh đạo cấp tỉnh cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này, để các quy định được thực hiện thống nhất từ trên xuống dưới, tới tận cấp thôn xóm. Nơi nào làm trái quy định thì cần xử lý nghiêm người đứng đầu.

Hiện các tỉnh thành đưa ra quy định kiểm soát người về quê ăn Tết, người vào địa bàn mỗi nơi một kiểu, không cần biết người dân đã tiêm mấy mũi vaccine. Trước tình trạng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng chiều 18/1 cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất trên cả nước. Bởi những biện pháp địa phương áp dụng đang hơi quá đà, khiến người dân e ngại về quê dịp Tết.

PV

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/quy-dinh-voi-nguoi-ve-que-an-tet-o-nhieu-dia-phuong-gay-hoang-mang-boi-phep-vua-thua-le-lang-a12592.html