Tại các bến tàu xe, các đơn vị vận tải đã chuẩn bị xong kế hoạch phục vụ người dân về quê ăn trước và sau Tết. Tuy nhiên do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, dự báo nhu cầu đi lại của người dân sẽ không có nhiều đột biến.
Về đường bộ, ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội chia sẻ với báo Tin Tức, dự kiến lượng khách đi lại qua các bến trong kỳ nghỉ lễ, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không đông.
Ông Toàn nhận định, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần kéo dài 9 ngày, từ ngày 29/1 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu) đến hết ngày 6/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành dẫn đến việc còn hạn chế các phương tiện vận tải hành khách lưu thông, các ca F0 tăng nhanh nên tâm lý người dân lo ngại việc di chuyển bằng xe khách. Vì vậy, lượng hành khách đi lại qua các bến sẽ không cao.
Trong các ngày 21 - 22 và ngày 26 - 29 tháng Chạp dù dự kiến lượng khách trên các bến xe sẽ tăng 300% so với ngày thường, tuy nhiên do thường ngày lượng khách thấp nên việc tăng lên của lượng hành khách sẽ không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành tại các bến xe và bình quân lượt khách trên xe sẽ chỉ đạt 50% tải trọng thiết kế.
Cụ thể trong thời gian trên, tại bến xe Mỹ Đình lượng khách qua bến khoảng 4.000 lượt/ngày và lượt xe là 380 lượt/ngày; tại bến xe Giáp Bát là 4.200 lượt khách/ngày và 400 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm là 1.600 lượt khách/ngày và 220 lượt xe/ngày.
Đối với đường sắt, đại diện Ga Hà Nội cho biết, mặc dù chỉ còn hơn 10 ngày nữa là vào cao điểm vận tải khách từ ga Hà Nội về quê, nhưng phòng đợi nhà ga vẫn khá ảm đạm, vắng hoe, cả ngày may ra có vài ba khách đến mua vé.
Lý giải về tình trạng vắng khách này, đại diện ga Hà Nội cho rằng, vốn dĩ vận tải đường sắt vào dịp trước Tết thường chỉ đông khách chiều từ miền Nam ra miền Trung, miền Bắc. Còn từ Hà Nội đi chủ yếu là khách về các tỉnh gần Hà Nội như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Đông nhất là khách đi Nghệ An.
Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho biết, tính đến ngày 13/1/2022, toàn ngành đường sắt đã bán được hơn 41.000 vé. Cụ thể, vé bán cho hành khách đi tàu Thống nhất từ ngày 20/1 - 13/2 là hơn 28.500 vé; Vé tàu khu đoạn là hơn 12.700 vé. Ngoài số vé đã bán, thanh toán thành công, còn lượng lớn vé đặt chỗ qua web, qua các ứng dụng bán vé trên điện thoại.
Trong đó, các đoàn tàu do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn quản lý bán được hơn 25.200 vé tàu Thống nhất và khoảng 11.200 vé tàu khu đoạn. Các đoàn tàu do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội quản lý bán được gần 16.000 vé tàu Thống nhất và hơn 1.500 vé tàu khu đoạn.
Đại diện Haraco cho hay, riêng số lượng vé bán được của doanh nghiệp này tính đến ngày 10/1 chỉ bằng 48% và tiền thu chỉ bằng 43% so với Tết năm 2021. Trong đó, chủ yếu bán vé các tàu số chẵn chạy giai đoạn trước Tết từ 22/1 - 29/1 (tức từ 20 - 27 tháng Chạp). Đối với mác tàu số lẻ từ Hà Nội vào, vé bán chủ yếu các ngày từ 2/2 - 8/2 (tức từ ngày 4 - 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Những ngày cận Tết, nhu cầu khách mua vé tàu Tết đang tăng dần, lượng vé bán ra mỗi ngày tăng khoảng 2.000 vé. Nhưng tàu khu đoạn từ Hà Nội đi và khứ hồi lượng vé bán ra vẫn thấp, trung bình chỉ khoảng 150 vé/ngày.
Trong khi đó, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, nhu cầu hành khách đi trên đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội và từ TP Hồ Chí Minh đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc đang tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đều đạt trên 70%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay đã được phân bổ.
Theo báo cáo từ hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không, tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội và từ TP Hồ Chí Minh đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc tăng trở lại, trái ngược so với dự đoán trước đó của các hãng hàng không. Tỷ lệ hành khách đặt giữ chỗ trên hệ thống của các hãng đều trên 50%; trong đó có những thời điểm tỷ lệ này còn lên đến trên 90%…
Khảo sát trên các kênh bán vé trực tuyến của các hãng hàng không, trên chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, giá vé máy bay bắt đầu thay đổi theo chiều hướng tăng với mức tăng trung bình từ 500.000 - 700.000 đồng. Cụ thể, nếu đặt vé Vietnam Airlines bay ra Hà Nội vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Âm lịch (ngày 29/1, tức 27 tháng Chạp) và bay vào TP Hồ Chí Minh vào ngày cuối cùng (ngày 6/2, tức ngày mùng 6 Tết), giá vé của Vietnam Airlines ở mức hơn 4,4 triệu đồng/vé khứ hồi. Một tuần trước đó, hành khách chỉ cần bỏ xấp xỉ 3,7 triệu đồng đã có thể mua được một cặp vé khứ hồi hạng tương đương.
Trong khi đó nếu hành khách chọn bay Vietjet Air hạng phổ thông, khách hàng sẽ phải trả hơn 3,7 triệu đồng /vé khứ hồi so với con số khoảng 4,1 triệu đồng trước đó. Cũng trên hành trình này, nếu chọn bay Bamboo Airways, hành khách sẽ phải trả xấp xỉ 4 triệu đồng cho một cặp vé khứ hồi hạng phổ thông.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mặc dù giá vé đã rục rịch tăng, tuy nhiên, vẫn còn ở mức thấp so với các năm trước. Bởi các năm trước đó, giá vé tại đường bay đông đúc nhất cả nước là Hà Nội - TP Hồ Chí Minh luôn dao động trên 6 - 7 triệu đồng một cặp vé khứ hồi.
Bộ Giao thông Vận tải trước đó đã ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BGVT- VT về kế hoạch phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị, không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển và hạn chế các hiện tượng chèn ép giá, lợi dụng tăng giá không đúng quy định; chậm chuyến, hủy chuyến trong vận tải hàng không.
Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập Ban chỉ đạo vân tải trong dịp Tết của đơn vị. Lập danh sách và phân công lãnh đạo, chuyên viên trực trong dịp Tết. Công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thường trực 24/24 để tiếp nhận xử lý thông tin liên quan.
Khánh Huyền
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/duong-bo-duong-sat-am-dam-hang-khong-nhon-nhip-tro-lai-gia-ve-tang-dip-cuoi-nam-a12590.html