Các nhà kinh tế theo trường phái Keynes thường hay nhấn mạnh tới mức độ thu nhập như là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng. Thế nhưng, chúng không phải là yếu tố quan trọng nhất. Rất nhiều người đã nhận ra rằng, sự dao động về mức thu nhập chỉ mang tính nhất thời mà thôi.
Hãy thử tưởng tượng về trường hợp một hộ gia đình, với mức thu nhập liên tục bị giảm trong 6 tháng liền do người có nguồn thu chính đang trong giai đoạn tìm việc làm mới. Họ sẽ có xu hướng vay mượn liên tục từ việc thế chấp các tài sản đang có để duy trì mức độ chi tiêu như cũ trong khoảng thời gian này.
Nhưng nếu một thành viên trong gia đình không kiếm được việc làm trong vài năm liền, các tài sản họ sở hữu trước đó sẽ nhanh chóng biến mất.
Chính việc giảm sút dần dần của tổng lượng của cải như trên là yếu tố dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao trong một khoảng thời gian dài, suốt thời kỳ Đại suy thoái. Và cũng chính sự giảm sút đó suýt chút nữa đã biến sự kiện năm 2008 trở thành một cuộc khủng hoảng hết sức trầm trọng.
Bởi vì các nhà kinh tế theo trường phái của Keynes luôn nhấn mạnh, mức thu nhập là yếu tố quyết định ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng, họ cho rằng việc áp dụng các chính sách tài khóa là phương thuốc hữu hiệu nhất để giảm thiểu tối đa vấn nạn thất nghiệp.
Tương tự, các nhà kinh tế theo trường phái cổ điển cho rằng, nền kinh tế hiện nay được dẫn dắt bởi các quy luật thị trường cơ bản: thị hiếu của người dân; các công nghệ hiện đang được sử dụng và các khoản trợ cấp.
Cũng theo họ, bởi vì chính phủ có thể thông qua các quy định để can thiệp vào nền kinh tế, ảnh hưởng đến cách hoạt động của doanh nghiệp, thay đổi mức thuế hay chỉnh sửa các quy định cũ, cho nên chính phủ cũng có thể tác động đến các quy luật thị trường, và từ đó ảnh hưởng tới số lượng công ăn việc làm.
Tuy nhiên, kinh tế học cổ điển không thể giải thích được các cuộc khủng hoảng tài chính hay suy thoái kinh tế như chúng ta đã chứng kiến những năm 1930.
Mặc dù đã trải qua hơn 10 cuộc suy thoái, nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung đã vận hành ổn định trong suốt 60 năm kể từ sau Thế chiến II. Những cuộc suy thoái kinh tế nói trên thường chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm và không có cuộc suy thoái nào nghiêm trọng như Đại suy thoái năm 1930.
Nền kinh tế thời kỳ hậu chiến được đánh giá là ít biến động hơn tới 4 lần so với thời kỳ trước Thế chiến II. Các nhà kinh tế đã bắt đầu nghĩ rằng, cuộc Đại suy thoái những năm 1930 là một trường hợp đặc biệt, và sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa.
Tuy vậy, vào tháng 12/2007, nền kinh tế Hoa Kỳ đã bắt đầu bước vào một thời kỳ suy thoái mới, để lại hậu quả nghiêm trọng không kém với thời kỳ Đại suy thoái. Đến mùa thu năm 2008, cuộc khủng hoảng này đã gây ảnh hưởng trên toàn cầu.
Tuy vậy, rất nhiều đặc điểm của cuộc khủng hoảng năm 2008 đã được chỉ ra là khác xa so với thời kỳ Đại suy thoái lần trước. Thị trường chứng khoán thế giới đã giảm tới 20% giá trị trong tuần đầu tiên của tháng 10/2008. Còn thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã giảm hơn 40% so với đỉnh gần nhất trước đó.
Theo các lý giải của các nhà kinh tế cổ điển, những nhà đầu tư tham gia trên thị trường khi đó một cách duy lý hẳn đã thấy trước một sự sụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn trong tương lai. Và do lợi nhuận trong tương lai được xác định bởi các quy luật khách quan của thị trường, nên hẳn mọi người đều đã thấy một sự kiện có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quy luật thị trường đã gần kề.
Song, biến động trên thị trường chứng khoán khó có thể được xem là tín hiệu cho những sự kiện không thể tránh khỏi, được kích hoạt bởi sự thay đổi của các quy luật thị trường.
Nếu sử dụng định nghĩa của kinh tế học cổ điển, có thể xét đến khía cạnh số lượng các xí nghiệp và máy móc mà nền kinh tế năm 2009 sở hữu là tương đương so với năm 2008. Tuy nhiên, ngay trong mùa thu năm 2008, nền kinh tế đã bắt đầu đào thải nhân công lao động với một tốc độ đáng báo động.
Các nhà đầu tư trên sàn đã nắm được thông tin gì về sự thay đổi các quy luật thị trường để châm ngòi cho hiện tượng này?
Kinh tế học cổ điển luôn cho rằng các quy luật thị trường sẽ quyết định tới số lượng công ăn việc làm. Số lượng công ăn việc làm sẽ quyết định tới lợi nhuận, và lợi nhuận sẽ quyết định tới giá cổ phiếu.
Trong thực tế, niềm tin sẽ quyết định tới sự giàu có, sự giàu có sẽ quyết định tới mức tiêu dùng và mức tiêu dùng sẽ quyết định tới số lượng công ăn việc làm.
Điều duy nhất giữ cho nền kinh tế đi đúng hướng chính là sự cộng hưởng niềm tin của hàng triệu nhà đầu tư, khi họ cho rằng nền kinh tế đang ổn định. Nhưng theo nhà kinh tế học Roger Edward Alfred Farmer, chỉ cần xảy ra một nguy cơ nhỏ, đã có thể tạo nên một sự hỗn loạn trong các nhà đầu tư. "Sẽ rất khó để có thể ngăn chặn được vòng lặp này".
Đặng Hùng