Phiên giao dịch chứng khoán ngày 13/1, VN-Index để mất mốc 1.500 điểm khi giảm 14,46 điểm xuống 1.496,05 điểm (giảm 0,96%).
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm tới 2,7%, xuống 460,83 điểm và UPCoM giảm 1,33% xuống 112,67 điểm.
Thị trường hôm nay phân hóa mạnh khi dòng tiền tiếp tục tháo chạy khỏi các cổ phiếu bất động sản và đổ dồn sang các cổ phiếu lớn, tiêu biểu là nhóm ngân hàng.
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng, hầu hết cổ phiếu nhóm này tăng giá như KienLongBank tăng 6%, BIDV tăng hơn 4%, Vietinbank, Vietcombank tăng 2-3%, MBB tăng gần 2%. Một số ít mã giảm giá có TPB giảm 2%, Sacombank giảm hơn 1%.
Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản giảm sàn la liệt, hầu hết là các cổ phiếu đã tăng nóng thời gian vừa qua, như DIG, DXG, CEO, IDC, LDG, FLC, ROS, CII, QCG, ITA...
Cổ phiếu bất động sản bị bán tháo, giảm sàn la liệt phiên 13/1
Theo các chuyên gia, dòng tiền đang chạy khỏi các cổ phiếu bất động sản và đi tìm nơi trú ẩn, "tránh bão" sau khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi vụ việc Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui 74,8 triệu cổ phiếu và Tân Hoàng Minh đơn phương hủy hợp đồng mua đất Thủ Thiêm.
Riêng đối với các cổ phiếu thuộc "họ FLC", đặc biệt là FLC và ROS, phiên giảm hôm nay là phiên giảm thứ 4 liên tiếp và gần như không mấy ai dám mua vào các cổ phiếu "họ FLC" thời điểm này. So với giá đóng cửa cuối tuần trước, cổ phiếu FLC đã giảm 23%. Tuy nhiên, sẽ có những người mất còn nhiều hơn thế, lên tới 28,2%, chính là những người đu đỉnh FLC giá 24.100 đồng trong phiên 10/1, ngày mà ông Quyết bán chui cổ phiếu.
Một số nhà đầu tư "may mắn" khớp lệnh đúng với cổ phiếu mà ông Quyết bán ra hiện đã được hủy giao dịch và trả lại tiền, nhưng chắc chắn sẽ có không ít người mắc kẹt tại vùng giá cao nhất 10 năm của FLC.
Cùng với FLC, những nhà đầu tư mua phải ROS giá 17.100 đồng trong ngày 10/1 cũng đang trong tâm lý "mất Tết", khi chốt phiên 13/1 giá cổ phiếu này chỉ còn 12.050 đồng/cổ phiếu. Mức giảm hơn 5 giá khiến tài khoản nhà đầu tư mất 30% giá trị sau 4 ngày qua. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ART, KLF, AMD, HAI đều giảm sâu những ngày này và rơi vào trạng thái "trắng bên mua".
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, hiện tại yếu tố rủi ro vẫn còn tiềm ẩn nên tạm thời nhà đầu tư cần cơ cấu danh mục theo hướng giảm rủi ro, đồng thời đánh giá lại trạng thái của thị trường khi tín hiệu rõ nét hơn.
Hà My