ĐBQH phản ánh 201 tỷ đồng/km cao tốc Bắc Nam: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói gì?

ĐBQH Hoàng Văn Cường bày tỏ băn khoăn về tổng mức đầu tư 146.000 tỷ đồng, tương đương suất đầu tư là 201 tỷ đồng/km cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gồm cả giải phóng mặt bằng.

ĐBQH phản ánh 201 tỷ đồng/km cao tốc Bắc Nam: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói gì?

201 tỷ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng

Chiều 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về tổng mức đầu tư hơn 146.000 tỷ đồng, tương đương suất đầu tư là 201 tỷ đồng/km bao gồm cả giải phóng mặt bằng.

Trong khi đó, so sánh với các tuyến cao tốc đã hoàn thành như Vĩnh Hảo - Phan Thiết thì suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng/km; tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng/km; tuyến Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng/ km.

"Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng dự kiến nếu tính toán lại thì tổng mức đầu tư chỉ 130.000 tỷ đồng.

Như vậy, suất đầu tư và tổng mức đầu tư rất cần phải cân nhắc lại", ông Cường đồng tình với cơ chế chỉ định thầu nhưng cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án.

Đối với việc sử dụng nguồn vốn, dự kiến sẽ sử dụng 72.000 tỷ đồng từ gói kích thích kinh tế - xã hội, nhưng theo tiến độ, năm 2022-2023, tổng giải ngân của dự án này chỉ được 31.000 tỷ đồng, có nghĩa sẽ còn ít nhất 40.000 tỷ đồng không thể giải ngân.

ĐBQH phản ánh 201 tỷ đồng/km cao tốc Bắc Nam: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói gì? - Ảnh 1.

ĐB Hoàng Văn Cường

Dẫn tới, việc cơ cấu nguồn vốn đầu tư và giải ngân gói phục hồi kinh tế vào dự án này rất cần phải tính toán lại.

Nam ĐBQH đoàn Hà Nội cũng cho rằng, với 12 dự án thành phần triển khai theo phương thức đầu tư công, có 4 dự án vẫn có khả năng đầu tư PPP, với tỷ lệ đầu tư nhà nước có thể ở mức cao lên đến 54-65%.

Đối với đề nghị tách riêng gói giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng giúp cho toàn bộ mức đầu tư sẽ giảm đi, nhà nước sẽ đầu tư mặt bằng, ông Cường cho rằng cơ chế này giúp phần đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều, không còn tình trạng phần đầu tư nhà nước vượt hơn 50%.

Đồng thời, việc tách phần riêng giải phóng mặt bằng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác, như việc huy động được các nguồn lực khi đấu giá nguồn lực như đất đai.

ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, xây dựng cao tốc Bắc Nam có ý nghĩa về mặt chính trị, bởi tuyến đường này cũng giống như con đường thống nhất Bắc Nam thời kỳ mới.

Tuy nhiên, khi nêu quan điểm về lựa chọn phương án đầu tư công để triển khai dự án, ông Lộc nêu ý kiến đây là "cực chẳng đã" khi tư nhân không làm thì nhà nước phải làm.

Song, cũng theo ông, với một dự án lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế xã hội, là biểu tượng của "ý Đảng, lòng dân", nhưng lại không thu hút được vốn tư nhân tham gia thì cần phải nhìn nhận lại chính sách.

Tính toán suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam có căn cứ

Giải trình làm rõ ý kiến của các ĐB, về tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng là đã dựa trên chi tiết tính toán đến từng cây cầu, cái cống, từng km hầm, kể cả địa chất thủy văn nền đường trên 729 km cao tốc.

"Tính toán của tư vấn là có căn cứ, cơ sở", ông Thể nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để tiến tới đấu thầu hoặc chỉ định thầu còn phải thuê tư vấn, lập dự án, lúc đó sẽ xác định cụ thể hướng tuyến, xác định cụ thể các công trình. Sau khi phê duyệt thiết kế, dự toán thì mới chỉ định thầu hoặc đấu thầu.

"Trong quá trình làm chúng tôi sẽ hết sức thận trọng để làm sao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm nhất", ông Thể đưa ra lời hứa.

Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt. Theo đó thu hồi một lần, làm hàng rào bảo vệ toàn bộ phần đất này… để đảm bảo theo tiêu chuẩn cao tốc.

Như vậy không phải tổ chức giải phóng nhiều lần, không sợ người dân lấn chiếm phần đất đã thực hiện.

Trong tái định cư, Bộ sẽ tính toán để làm sao phù hợp điều kiện thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng tái định cư rộng, nhiều dẫn đến lãng phí và tăng suất đầu tư.

Bộ trưởng cho biết, việc giải phóng mặt bằng thực hiện trong 1,5 năm, đến cuối năm 2023 phải xong hết toàn bộ.

Liên quan tới việc sử dụng đường của địa phương để làm đường công vụ phục vụ triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết sẽ đề xuất các đơn vị thi công ký quỹ để đảm bảo khi công trình kết thúc mà phải sửa chữa thì chúng ta sử dụng quỹ này để khắc phục.

Về công khai minh bạch, ông Thể nhấn mạnh, rút kinh nghiệm bài học của giai đoạn 1 (2016 - 2020), ngay từ đầu, cơ quan chức năng như công an, thanh tra, kiểm toán sẽ vào cuộc.

"Giai đoạn 1 vừa qua, C01 (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra), C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) cũng tham gia rất tích cực ngay từ khâu lập dự án, tổ chức đấu thầu, nên rất công khai minh bạch. Sắp tới thêm kiểm toán thì rất tốt", ông Thể nhấn mạnh.

Về tiến độ giải ngân, Chính phủ đang chỉ đạo và Bộ GTVT sẽ ban hành quy chế quy định trách nhiệm địa phương, của Bộ GTVT và các Bộ ngành, đặc biệt liên quan đến từng hạng mục công việc, trong đó có giải phóng mặt bằng thời điểm nào xong dự án, thời điểm nào xong thiết kế, thời điểm nào có nhà thầu và khởi công.

Đề cập việc chỉ định thầu, ông Thể cho hay thực hiện đúng luật, có hồ sơ yêu cầu, có năng lực và đầy đủ các tiêu chí, công bố công khai rộng rãi, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây lắp sẽ đăng ký thực hiện tham gia và việc tổ chức xét tuyển đàng hoàng, chứ không phải sơ sài chỉ định thầu.

Chính phủ cũng dự kiến thành lập Hội đồng liên bộ để làm sao đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Về thu phí đã có Nghị quyết 52 của Quốc hội khóa trước. Hiện nay, Bộ đề xuất tổ chức phương án thu phí, bán quyền thu phí theo 2 - 5 - 10 - 15 năm tùy theo điều kiện. Việc này Chính phủ sẽ xem xét kỹ lưỡng để báo cáo với TVQH.

Trình Quốc hội tại phiên họp ngày 4/1, Chính phủ đề xuất đầu tư thêm 729 km đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng mức khoảng 146.990 tỷ đồng. Bình quân suất đầu tư hơn 175 tỷ đồng/km, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước tính toán tổng mức đầu tư 12 dự án cao tốc là 130.604 tỷ đồng, giảm 16.330 tỷ đồng tổng vốn đầu tư so với dự kiến của Chính phủ, với suất đầu tư bình quân 152,9 tỷ đồng/km.

 

Hoàng Đan

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/dbqh-phan-anh-201-ty-dongkm-cao-toc-bac-nam-bo-truong-nguyen-van-the-noi-gi-a12532.html