Thẻ tín dụng thường được biết đến là phương tiện thanh toán hữu hiệu tại các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại… hay thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử. Ngoài ra còn một tính năng khác là để dùng rút tiền mặt, vay ngân hàng nằm trong hạn mức được cấp trong thẻ tín dụng. Giải pháp rút tiền này khá tiện lợi, nhất là khi bạn đang cần tiền mặt gấp.
Hiện người dùng có thể rút tiền mặt qua thẻ tín dụng tại các cây ATM, đây là hình thức phổ biến nhất. Ngoài ra còn có cách khác là liên hệ với ngân hàng để đăng ký rút tiền từ thẻ tín dụng sang tài khoản thanh toán với lãi suất thoả thuận.
Nếu rút tiền tại các cây ATM, khách hàng sẽ phải chịu mức phí khá lớn, thường là 3-5% giá trị giao dịch. Ví dụ bạn muốn rút tiền mặt 100 triệu đồng từ thẻ tín dụng, mức phí phổ biến nhất là 4% tương đương với 4 triệu đồng.
Ngay tại thời điểm bạn rút tiền thẻ tín dụng thì số tiền đó sẽ bị ngân hàng tính lãi suất. Mức lãi suất này cũng tùy thuộc vào ngân hàng, thường giao động từ 18%/năm - 40%/năm.
Cách thứ 2, nhiều ngân hàng đã cung cấp giải pháp rút tiền mặt giải ngân sang tài khoản thanh toán cho khách hàng với mức phí ưu đãi hơn. Thông thường phí rút theo hình thức này chỉ từ 1-2%. Đặc biệt, khách hàng còn được ngân hàng tư vấn đăng ký trả góp, lãi suất công khai và mức tiền trả góp hàng tháng cũng được ngân hàng tính toán cụ thể cho khách hàng.
Ưu điểm của hình thức này là được đăng ký trả góp và phí rút ưu đãi hơn so với rút tại ATM. Nhược điểm là khách hàng có thể phải đợi một thời gian (thường là 1 ngày) để được phê duyệt.
Để đăng ký rút tiền theo hình thức này, khách hàng có thể liên hệ hotline của ngân hàng, ra quầy giao dịch để được tư vấn, hoặc có thể thực hiện trực tiếp ngay trên các App ngân hàng số.
Tuỳ vào khả năng và kế hoạch trả nợ mà người dùng nên cân nhắc chọn hình thức rút tiền mặt phù hợp trước khi thực hiện. Lãi suất thẻ tín dụng hiện nay là khá cao, nên khi không trả được đúng hạn, số tiền lãi sẽ ngày càng nhiều gây áp lực lên khả năng thanh toán của người dùng. Ngoài ra, khi không trả được nợ, người dùng có thể bị hạ điểm tín dụng trên hệ thống CIC, ảnh hưởng tới khả năng vay vốn sau này.
Nhìn chung, trong trường hợp quá cần tiền gấp thì khách hàng mới nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng. Người dùng nên tận dụng việc thanh toán bằng thẻ để được hưởng lãi suất 0% trong 45 ngày đầu tiên, lại còn có khả năng được hoàn tiền 1-5%. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký trả góp, thanh toán bằng thẻ tín dụng với nhiều sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ lớn trên thị trường.
Lưu ý, bởi vì mức phí rút qua cây ATM khá cao nên trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều công ty cung cấp dịch vụ rút tiền mặt qua thẻ tín dụng. Người dùng sẽ quẹt thẻ qua máy POS của những công ty này giống như đang mua hàng hoá, dịch vụ (nhưng thực chất là giao dịch khống), sau đó công ty dịch vụ sẽ chuyển tiền lại vào tài khoản thanh toán cho người dùng. Các công ty này quảng cáo mức phí thấp để hấp dẫn người dùng, nhưng trên thực tế mức phí không thấp hơn quá nhiều so với rút tại ATM ngân hàng, số tiền càng lớn thì % phí rút càng cao.
Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dung theo hình thức thanh toán khống nói trên là hành vi bị cấm. Bất kỳ cá nhân nào vi phạm sẽ bị phạt tới 150 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng có quyền khóa thẻ ngay lập tức nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận trên thẻ tín dụng của bạn.
Thanh Anh
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/co-nen-rut-tien-mat-the-tin-dung-de-chi-tieu-cuoi-nam-a12456.html