Tính đến cuối năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng hơn 1 triệu người, đây là con số rất khiêm tốn so với 35 triệu lao động phi chính thức hiện đang là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định pháp luật. Điều này cho thấy cần phải có những sự điều chỉnh để chính sách này hấp dẫn và phù hợp với với lao động phi chính thức.
Đây là thông tin được chia sẻ tại tọa đàm “Bảo hiểm xã hội tự nguyện và cơ hội tiếp cận của lao động phi chính thức” do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Mạng lưới Hành động vì người lao đông di cư (M.net) tổ chức ngày 21/12.
Thời gian qua, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Mạng lưới Hành động Vì người lao đông di cư (M.net) đã thực hiện nghiên cứu “Tổng quan và phân tích chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam". Nghiên cứu cho thấy so với các tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tương đối đầy đủ và đáp ứng xu thế chung. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp, ngay cả khi thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo.
Theo các chuyên gia, một số rào cản về chính sách khiến người lao động đắn đo khi tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mặc dù chế độ hưu trí và tử tuất trong chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện về cơ bản là khá tương đồng nhưng vẫn có một số khác biệt như chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện không có nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động; chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện không có chế độ tuất hàng tháng mà chỉ có tuất một lần.
Thêm vào đó, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ít hơn bảo hiểm xã hội chính thức, không có các chế độ ngắn hạn khác như chế độ thai sản, ốm đau bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
BHXH là một trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Từ quan điểm này, Viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng Nguyễn Thu Giang cho biết: Với tỷ lệ độ bao phủ của BHXH còn thấp, số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất ít trong khi nhóm lao động khu vực phi chính thức lại chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu việc làm, chúng ta cần phải xem xét chính sách BHXH tự nguyện một cách toàn diện hơn. Bao gồm cả việc điều chỉnh chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm lao động tự do..., việc thực thi chính sách cần tạo điều kiện và hiệu quả hơn, truyền thông cần dễ hiểu và đúng đối tượng hơn. Các chính sách an sinh xã hội được xây dựng và đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính là diện bao phủ, tính đầy đủ và tính bền vững.
Để tăng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội, các chuyên gia cho rằng cần mở rộng chế độ hưởng thông qua việc triển khai các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn, linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình) cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần phát triển một hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại và tích hợp theo các nguyên tắc phổ quát, bình đẳng, công bằng, chia sẻ, bền vững cho tất cả người lao động."
"Các định hướng chính sách bảo hiểm xã hội cần từng bước bổ sung thêm các chế độ bảo vệ trong bảo hiểm xã hội tự nguyện để thu hẹp khoảng cách về chế độ giữa bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong quá trình sửa đổi bổ sung chính sách, tiếng nói của người lao động cần được các nhà hoạch định chính sách tôn trọng, cân nhắc và áp dụng một cách phù hợp," ông Phạm Quang Tú nói.
Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cũng cần xác định BHXHTN là nhiệm vụ mang tính cộng đồng, tính xã hội, bởi vậy, không riêng một ngành, một địa phương có thể tự làm được mà cần phải có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các ngành, các địa phương. Có như vậy, mới mong NLĐ tham gia đóng BHXHTN, hướng tới mục tiêu “Bảo hiểm toàn dân” như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra.
HM
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/vi-sao-nguoi-lao-dong-chua-man-ma-voi-bhxh-tu-nguyen-a12396.html