3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong năm 2022
Tại tọa đàm trực tuyến “Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức ngày 15/12, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch là một trong những thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn hiện nay.
"Trạng thái bình thường mới" do đại dịch COVID-19 đặt ra những vấn đề mới cho quản lý trên bình diện quốc gia và toàn cầu, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách phù hợp, ứng phó với đại dịch và phục hồi phát triển kinh tế là trung tâm. Lãnh đạo doanh nghiệp phải chủ động thích ứng linh hoạt, thực hiện chuyển đổi số dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa kinh doanh, công nghệ và con người để tạo ra những hướng đi mới đột phá hơn.
"Có thể nói, COVID-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi", ông Phòng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, tăng tốc chuyển đổi số là con đường tất yếu để DN phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Thủy, môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn khiêm tốn. Ngoài chỉ tiêu số mật độ thuê bao internet băng rộng, các chỉ tiêu khác như thanh toán điện tử, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số... tại Việt Nam còn thấp. Thêm vào đó là việc gia tăng các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) đang đẩy mạnh triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo chương trình này, Bộ đã đưa ra 3 gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và triển khai trong năm 2022.
Trong đó, gói dành cho các DN quy mô nhỏ, mới bắt đầu CĐS với mức hỗ trợ trợ tối đa 50% kinh phí, nhưng không quá 20 triệu đồng/năm/DN siêu nhỏ, 50 triệu đồng/năm/DN nhỏ. Gói tăng tốc chuyển đổi số dành cho DN đang tăng trưởng với mức hỗ trợ tối đa 50% kinh phí, nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/ DN vừa. Còn gói chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu dành cho các DN có hoạt động xuất khẩu thông qua các nền tảng số.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với VCCI để triển khai các nội dung hỗ trợ cho cộng đồng DN trong thời gian tới. Với những nỗ lực của toàn bộ hệ thống từ Trung ương đến địa phương cùng các sở, ban, ngành, các DN sẽ sớm khôi phục được để có thể là duy trì tồn tại và bứt phá phát triển trong thời gian tới" Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp chia sẻ.
Chủ doanh nghiệp phải có văn hóa số
Theo ông Hoàng Quang Phòng, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân DN cần phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mới của thị trường trong trạng thái bình thường mới, kết nối chặt chẽ với đối tác, nâng cao năng lực đổi mới và sức cạnh tranh trên thị trường.
Đưa ra khuyến nghị cho DN, bà Triệu Thị Thu Lan - Giám đốc phụ trách tư vấn công nghệ của KPMG Vietnam chi nhánh miền Bắc cho biết, việc chuyển đổi số của DN thành công hay thất bại phụ thuộc vào ý chí của người lãnh đạo.
"Không phải cứ áp dụng công nghệ là thành công trong chuyển đổi số. Ý chí lãnh đạo về văn hóa số trong DN có tác động lớn đến chuyển đổi số. Chủ DN phải có văn hóa số, tức là sẵn sàng thay đổi công nghệ, theo những cái mới và đưa ra quyết định để toàn bộ DN đi theo định hướng chuyển đổi số", bà Lan nêu.
Ngoài ra, DN cũng cần lưu tâm trong việc lựa chọn giải pháp phù hợp trong khi hiện nay có rất nhiều giải pháp. Với việc mỗi đơn vị có mức độ sẵn sàng riêng, cần chọn giải pháp phù hợp với loại hình cũng như quy mô DN.
Gợi ý mô hình kinh doanh hướng số hóa cho hoạt động hiệu quả tại DN, ông Phan Hồng Sơn - chuyên gia công nghệ Microsoft Việt Nam cho biết, trong thời kỳ bình thường mới, doanh nghiệp có thể quan tâm đến mô hình kết nối nhân viên theo hướng số hóa, tăng tốc số hóa thông qua quản lý dữ liệu và số hóa quy trình kinh doanh, truy cập thông tin cần thiết từ mọi nguồn dữ liệu của doanh nghiệp, qua đó đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Theo chuyên gia của Microsoft, thấu hiểu khách hàng là nguồn tài nguyên quý giá của doanh nghiệp. Trong thực tế, đa số các dữ liệu cần thiết để nâng cao trải nghiệm khách hàng lại đến từ nhiều kênh khác nhau. Khảo sát của Microsoft cho thấy, 80% DN cho biết dữ liệu đang bị kẹt lại tại các hệ thống khác nhau, 60% DN nói không thể tận dụng dữ liệu để có thể hiểu khách hàng và đem đến trải nghiệm tốt đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Minh Thu
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/chu-doanh-nghiep-co-van-hoa-so-se-tao-ra-nhung-dot-pha-moi-a12349.html