Việt Nam-Liên bang Nga đạt thỏa thuận cung ứng, sản xuất vaccine Sputnik tại Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, thảo luận các biện pháp cụ thể để đặt mục tiêu nâng kim ngạch 2 chiều tăng 15 lần, đầu tư tăng 3 lần trong thời gian tới.

Ông Alexander Shokhin, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Doanh nhân Nga cùng 80 doanh nghiệp hai nước dự buổi tọa đàm. Trước thực tế thương mại và đầu tư hai nước chưa tương xứng với quan hệ hai nước, còn nhỏ so với 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước kịp thời tháo gỡ khó khăn, thảo luận các biện pháp cụ thể để đặt mục tiêu nâng kim ngạch 2 chiều tăng 15 lần, đầu tư tăng 3 lần trong thời gian tới. 

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại tọa đàm, các doanh nhân hai nước bày tỏ muốn đầu tư vào mỗi nước bởi hai lẽ, thứ nhất là mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Việt Nam và Nga, và thứ hai là những cơ hội và cơ chế ưu đãi đầu tư của mỗi nước mang lại.

Bà Thái Hương, nhà đầu tư chăn nuôi bò sữa tại Nga bày tỏ: "Tôi nhận thấy một điều là sự tri ân lớn lao khi đất nước Việt Nam chiến đấu chống xâm lược, thì Nga hỗ trợ sức người, sức của, kề vai sát cánh cùng chúng tôi. Còn lý do thứ hai tôi sang Nga là điểm vàng trong kinh doanh, là cơ hội cho nước Nga trỗi dậy về nông nghiệp".

Tại tọa đàm, ông Alexander Shokhin, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Doanh nhân Nga cho rằng, các doanh nghiệp Nga và Việt Nam cần khai thác thế mạnh của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, bởi đây chính là hiệp định đầu tiên mà Liên minh ký với bên ngoài.

Ông Alexander Shokhin nói: "Chúng tôi vui mừng tuyên bố chung hai nước đã quan tâm đến hợp tác kinh tế hai nước, mở ra cánh cửa mới cho các doanh nghiệp hai nước. Doanh nghiệp của Nga cũng quan tâm đến mối quan hệ với Việt Nam, gìn giữ những thành tựu đạt được cũng như quan tâm đến việc sử dụng các ưu thế hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với Liên minh kinh tế Á-Âu. Hợp tác giữa hai nước còn khiêm tốn. Nga đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam và Việt Nam đã đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Chúng tôi cũng có các cuộc họp với các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu và hy vọng sẽ có các dự án mới đầu tư vào Việt Nam". 

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Nga

Hoan nghênh nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Nga có mặt tại Tọa đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thông báo với doanh nghiệp hai nước về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, mở ra nhiều nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế và thương mại.

Chủ tịch nước nêu một số thế mạnh của Việt Nam hiện nay là tăng trưởng kinh tế có thể 4,5% trong năm nay dù dịch bệnh Covid-19; kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 600 tỷ USD, xuất siêu liên tục, lạm phát thấp. Việt Nam là nền kinh tế quy mô lớn thứ 3 ASEAN. Là nước tham gia 15 hiệp định thương mại tự do với nhiều hiệp định tiêu chuẩn cao, đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Nga có cơ hội thâm nhập vào các thị trường hết sức rộng lớn:

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Theo đánh giá của quốc tế, Việt Nam là 1 trong 20 nước trên thế giới thu hút đầu tư thành công nhất. Nhưng tại sao 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam mà Nga lại đầu tư vào Việt Nam ít như vậy, trong khi tiềm lực của nước Nga rất lớn. Chính vì vậy trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, tôi đề nghị các doanh nghiệp Nga với sự hỗ trợ quan tâm của Chính phủ, tôi mong muốn các bạn Nga nghiên cứu thị trường Việt Nam và ngược lại doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu thị trường Nga để hợp tác trao đổi đạt kết quả tốt hơn".

Theo đó, Chủ tịch nước cho rằng, không gian hợp tác của từng ngành kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có thể tiếp tục nhập khẩu lúa mì hay thịt lợn nhưng cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm và sản phẩm khác mà Việt Nam sản xuất được. Bởi Nga có diện tích rộng lớn nhưng xuất khẩu nông sản mới chỉ đạt 30 tỷ USD mỗi năm, còn Việt Nam xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD, nên có thể đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này.

"Việt Nam và Nga có mối quan hệ hữu nghị, hợp tác thân thiết hơn 70 năm. Sự tin cậy trong quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ mở ra những chương mới trong thời gian tới. Mục tiêu của chúng ta là phải tăng gấp 15 đến 20 lần kim ngạch thương mại, đầu tư song phương tăng gấp 3 lần trong thời gian tới. Do đó cơ quan chức năng hai nước cần phối hợp giải quyết vướng mắc để kinh tế, thương mại tương xứng với quan hệ hai nước. Chúng tôi cũng đã đề nghị với Chính phủ Nga sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Liên bang Nga, Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các tập đoàn, doanh nghiệp và địa phương trong lĩnh vực năng lượng, tài chính, xuất nhập khẩu nông sản...

Trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, HDBank đã ký kết thỏa thuận với Liên đoàn Cờ Thế giới (FIDE) và Liên đoàn Cờ Việt Nam (VCF) về việc đồng hành cùng Giải cờ vua quốc tế trong 10 năm tới. Theo đó, FIDE sẽ đồng hành cùng Liên đoàn Cờ Việt Nam và HDBank tổ chức giải Cờ vua quốc tế tại Việt Nam trong 10 năm, từ năm 2022 đến năm 2031. Cụ thể, FIDE đưa giải đấu Cờ vua quốc tế HDBank tại Việt Nam vào danh sách các giải chính thức trong khuôn khổ của FIDE, thu hút các kỳ thủ khắp thế giới. FIDE hỗ trợ nâng cao chất lượng giải đấu. VCF tổ chức giải, nâng cao trình độ năng lực đội tuyển và các kỳ thủ Việt Nam; thu hút kỳ thủ khắp nơi trên thế giới tham dự.

 HDBank ký kết thỏa thuận với Liên đoàn Cờ Thế giới (FIDE) và Liên đoàn Cờ Việt Nam (VCF) về việc đồng hành cùng Giải Cờ vua quốc tế trong 10 năm tới

Đây là thỏa thuận hợp tác giữa các bên nhằm phát triển hoạt động sản xuất vaccine Sputnik phòng Covid-19 do Viện Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya phát triển tại Việt Nam. Thỏa thuận cũng bao gồm mở rộng nguồn cung cấp vaccine Sputnik tại Việt Nam cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận, hợp tác chuyển giao công nghệ, phương pháp phân tích và kiểm tra chất lượng…

VABIOTECH, một doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Y tế Việt Nam với sự đồng hành của tập đoàn SOVICO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng RDIF và Viện Gamaleya sản xuất vaccine Sputnik mỗi năm tại Việt Nam, góp phần quan trọng vào kế hoạch tự chủ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ Việt Nam cũng như đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Trước đó, 1,5 triệu liều vaccine Sputnik V đã được tiêm cho người dân 7 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Với những ưu điểm vượt trội từ công nghệ với khả năng chống lại biến thể Delta cao (trên 80%)..., vaccine Sputnik ngày càng nhận được sự chấp thuận ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko, Công ty VABIOTECH – trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam và Tập đoàn SOVICO đã ký thoả thuận hợp tác với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga (RDIF) trong việc cung ứng, sản xuất vaccine Sputnik tại Việt Nam.

VOV

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/viet-nam-lien-bang-nga-dat-thoa-thuan-cung-ung-san-xuat-vaccine-sputnik-tai-viet-nam-a12246.html