Đời sống khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lao động đã đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời, một số ít người vì lợi ích trước mắt, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần để có luôn một khoản “tiền tươi”... Thực trạng đó khiến số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đặc biệt vào thời gian gần đây tăng lên nhanh chóng. Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội cũng như ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Nếu quyền lợi được đặt lên ‘bàn cân” thì chính sách bảo hiểm xã hội đem lại cho người lao động những lợi ích mà không có khoản tiết kiệm nào có thể so sánh được. Hiện tại, đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội bằng 25% mức tiền lương hằng tháng của người lao động, trong đó, người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17%. Ví dụ, nếu tiền lương của người lao động là 5 triệu/tháng thì quỹ bảo hiểm xã hội thu 1.250.000 đồng. Trong đó, người lao động đóng 400.000 đồng (32% tổng quỹ), người sử dụng lao động đóng 850.000 đồng (68% tổng quỹ). Vì vậy, khi tham gia bảo hiểm xã hội với việc bỏ ra số tiền 8% tiền lương hằng tháng (32% tổng quỹ), người lao động được hưởng những lợi ích từ nguồn quỹ này bao gồm các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Và chỉ tính riêng mức lương hưu tối đa, người lao động nhận được với mức tiền lương đóng 5 triệu đồng/tháng là 3.750.000 đồng/tháng cũng đã lớn hơn rất nhiều số tiền mà người lao động phải bỏ ra là 400.000 đồng/tháng.
Với người lao động tự do, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động được lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện của mình, mức thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng). Như vậy, với tỷ lệ đóng hằng tháng 22%, thì số tiền đóng mỗi tháng tương đương với 138.600 đồng (nhà nước đã hỗ trợ 10%), nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu khi đến tuổi có thể đạt đến 75% bình quân mức đóng. Ngoài ra, người hưởng lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế có mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Bên cạnh đó, người thân, người chăm lo cho người tham gia bảo hiểm xã hội còn được hưởng chế độ tuất khi người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời.
Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Muốn vậy, người lao động hãy tích lũy, tham gia bảo hiểm xã hội ngay khi còn trẻ. Nếu ở thời điểm khó khăn không thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền bảo lưu và sau đó đóng tiếp (bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tự nguyện) để đủ điều kiện nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế giúp chăm sóc sức khỏe khi về già.
Thái Bình
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/rut-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-noi-lo-khi-tuoi-gia-khong-luong-huu-a12198.html