An toàn nợ công gắn với sử dụng vốn vay hiệu quả

2021 là năm đầu triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động lớn đến tăng trưởng, tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong bối cảnh đó, công tác vay, trả nợ công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 gửi các Đại biểu quốc hội.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, Chính phủ đã thực hiện huy động 298.758 tỷ đồng, trong đó vay đưa vào cân đối ngân sách Trung ương là 291.505 tỷ đồng (gồm vốn vay trong nước 277.714 tỷ đồng, vay ODA, ưu đãi nước ngoài cấp phát khoảng 13.791 tỷ đồng), vay ODA, ưu đãi nước ngoài cho vay lại khoảng 7.253 tỷ đồng. Dự kiến tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2021 khoảng 514.297 tỷ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch, trong đó vay trong nước khoảng 463.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 87,8% tổng huy động của Chính phủ (bao gồm 373.000 tỷ đồng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), 90.000 tỷ đồng huy động từ nguồn ngân quỹ Nhà nước); vay nước ngoài từ nguồn ODA và ưu đãi 51.297 tỷ đồng, chiếm khoảng 53% so với kế hoạch (cấp phát 33.898 tỷ đồng, cho vay lại 17.399 tỷ đồng).

Tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021 là hơn 289,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp khoảng 270.793 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 18.534 tỷ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỷ đồng (92,8% kế hoạch), trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 338.415 tỷ đồng (92,4% kế hoạch); trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại 27.517 tỷ đồng, bằng (97,3% kế hoạch).

Báo cáo đánh giá: “Việc thực hiện nghĩa vụ các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, dự kiến không quá 25% thu NSNN theo mức trần Quốc hội cho phép”.

Dự kiến năm 2021, nợ công khoảng hơn 3,7 triệu tỷ đồng, bằng 43,7% GDP.  Nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 24,8%.

Dự kiến năm nay, nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 67,5% tổng dư nợ Chính phủ (tăng so với mức 63,8% cuối năm 2020), nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 32,5%.

Bên cạnh đó, năm 2021 việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.

“Với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế quý III giảm sâu, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là thách thức. Trường hợp GDP năm 2021 không đạt mức dự báo sẽ có tác động đến bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2021”, báo cáo của Chính phủ lưu ý.

no-1634608152.jpg
Năm 2021, Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

Huy động hơn 571 nghìn tỷ đồng năm 2022

Báo cáo cho rằng, quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của nước ta còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Rủi ro lớn nhất vẫn là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và triển khai chiến lược vắc xin có thể ảnh hưởng mạnh đến tiến trình phục hồi kinh tế. Các tổ chức quốc tế lần lượt điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, phản ánh mức độ bùng phát dịch Covid-19 đang diễn ra và tác động của các biện pháp kiểm soát dịch.

Trước bối cảnh trên, Chính phủ dự kiến nhiệm vụ huy động vốn vay năm 2022 ở mức 571.014 tỷ đồng. Bao gồm: Vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương 347.900 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương 196.149 tỷ đồng; vay về cho vay lại 26.965 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến huy động vay nước ngoài khoảng 68.088 tỷ đồng từ các thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký kết, số còn lại 502.926 tỷ đồng vay trong nước, chủ yếu là phát hành trái phiếu chính phủ, theo đó tập trung phát hành kỳ hạn từ 5 năm trở lên; trường hợp cần thiết có thể kết hợp phát hành kỳ hạn dưới 5 năm để đảm bảo đủ nguồn huy động của Chính phủ.

Dự kiến rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2022 khoảng 68.088 tỷ đồng. Trong đó, sử dụng cho đầu tư công khoảng 40.000 tỷ đồng, vay cho hành chính sự nghiệp đối với các hiệp định ký từ năm 2017 về trước khoảng 1.123 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 26.965 tỷ đồng.

Về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2022 khoảng gần 300 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ gốc khoảng 196.149 tỷ đồng và trả nợ lãi khoảng 103.668 tỷ đồng; bằng khoảng 21,2% so với thu ngân sách nhà nước.

Nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 36.370 tỷ đồng (trả gốc khoảng 27.208 tỷ đồng, trả lãi khoảng 9.162 tỷ đồng).

Tại thời điểm hiện nay, dự kiến trong năm 2022 Chính phủ không bảo lãnh mới cho các chương trình, dự án để vay vốn trong nước, nước ngoài.

Cân nhắc nới khoản vay công kịp thời

Góp ý về vấn đề tăng nợ công, theo TS. Trương Văn Phước, chúng ta cần áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt. Trước hết là tăng bội chi ngân sách nhà nước từ mức 3,7% GDP hiện nay lên khoảng 5,2 - 5,4% GDP. Và do đó, có thể nới nợ công lên khoảng 50 - 52% GDP. Việc nới nợ công này có thể kéo dài khoảng 3 năm để xem xét những diễn biến tiếp theo của đại dịch Covid-19 cũng như biến động trong nền kinh tế vĩ mô.

TS. Trương Văn Phước tính toán đến giữa năm 2024, chúng ta có thể trở lại các mốc như những năm trước đại dịch bởi việc chi cho y tế và phục hồi vẫn sẽ phải tiếp tục trong khoảng 2 năm tới và năm thứ 3 khi nền kinh tế phục hồi sẽ cân bằng lại tài khóa.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân): Nhìn vào các điều kiện vĩ mô, Việt Nam có tỷ lệ nợ công/GDP vẫn trong giới hạn an toàn, xuất - nhập khẩu khẩu tăng mạnh và có khả năng đạt hơn 600 tỷ USD trong năm 2021, cán cân thương mại thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, tỷ giá ổn định, lạm phát kiểm soát, lãi suất trái phiếu thấp và nhìn chung, kinh tế vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, các biện pháp điều hành của Chính phủ có hiệu quả và hiệu năng kịp thời. Xếp hạng tín dụng khá tốt cho phép Việt Nam tăng khoản vay công cả trong nước và quốc tế tương đối thuận lợi. Đây là những cơ sở để Việt Nam cân nhắc nới khoản vay công kịp thời để tạo thêm nguồn lực kích thích kinh tế.

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ của chúng ta không còn nhiều, tuy nhiên dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn, nếu không nói là còn khá lớn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi”.

TS. Trương Văn Phước cho biết thêm, các nước trên thế giới có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế chiếm 3 - 6%, thậm chí 10% GDP, Việt Nam hiện nay mới khoảng 2% GDP. Nhiều quốc gia như Indonesia, Thái Lan… cũng phải tăng trần nợ công lên đến 70%. “Họ còn áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ như hạ lãi suất, mua trái phiếu để bơm tiền ra, nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn tín dụng thông qua việc hạ thấp trong một thời gian hệ số an toàn vốn tối thiểu”.

Tại Việt Nam, trần nợ công quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chúng ta chỉ mới đạt khoảng 44 - 45% GDP (theo cách tính mới), như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn phục vụ cho quá trình vừa chống dịch vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Về vấn đề này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lưu ý, trần nợ công chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hằng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách Nhà nước.

Do đó, việc tăng vay nợ để kích thích kinh tế phục hồi là một giải pháp nhưng cần tính toán hết sức cẩn trọng, bảo đảm an toàn nợ công, đi đôi với sử dụng hiệu quả vốn vay. Nếu để nợ công gia tăng nhưng giải ngân không hiệu quả, hoặc khả năng trả nợ hạn chế sẽ bị ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia.

Bùi Quyền

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/an-toan-no-cong-gan-voi-su-dung-von-vay-hieu-qua-a12038.html