Doanh nghiệp và người lao động cần thích ứng linh hoạt với định hướng mới thời hậu COVID-19

Báo cáo về “Thị trường lao động trong làn sóng COVID thứ 4: Thực trạng và Hướng đi” của Navigos Group cho thấy, bức tranh thực trạng của người lao động đối phó với dịch bệnh COVID-19, theo đó có tới hơn 87% ứng viên tham gia khảo sát bị ảnh hưởng bởi công việc. Hậu COVID cả doanh nghiệp và người lao động cần có định hướng mới.

Hơn 87% ứng viên tham gia khảo sát bị ảnh hưởng đến công việc

Dữ liệu từ báo cáo của Navigos Group cho thấy hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Có thể thấy rằng đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động.

Khi được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Tiếp theo, lý do người lao động nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi chiếm gần 25%.

Theo một thống kê khác trong bản báo cáo, lý do khiến người lao động chưa muốn chuyển việc trong thời điểm này chủ yếu là không tìm được công việc phù hợp để ứng tuyển với 67% ý kiến từ người tham gia khảo sát. 30% cho biết họ đã gửi hồ sơ cá nhân (CV) nhưng chưa được nhà tuyển dụng liên hệ. 22% cho biết các công ty không tuyển dụng trong thời gian này nên các cơ hội việc làm lại càng khan hiếm. 20,1% người cho rằng vị trí mà các công ty đang tuyển dụng không phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp của họ.

tham-1633657200.jpg
87% người tham gia khảo sát trả lời việc làm bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Giảm hiệu quả trong công việc nằm trong Top 3 các khó khăn khi người lao động làm việc tại nhà

Qua khảo sát, có 64% ứng viên cho biết họ đang làm việc tại nhà 100%. Nằm trong Top 3 các khó khăn thường gặp nhất khi làm việc từ xa bao gồm: Thiếu kết nối với quản lý trực tiếp và với đồng nghiệp chiếm gần 27% ý kiến – Hiệu quả lao động giảm sút chiếm gần 24% - Mất tập trung, sao nhãng trong công việc với 18% ý kiến đồng tình. Ngoài ra, những khó khăn khác cũng được số ít người lao động đưa ra như: Mạng Wi-Fi chậm, kết nối kém, không xác nhận được tình hình sản xuất thực tế, các hồ sơ chứng từ chưa được số hóa toàn bộ, thiếu công cụ phục vụ công việc, các thành viên không theo sát thời gian hoàn thành công việc, khó liên lạc và không giải quyết được vấn đề khẩn cấp…

52% ứng viên tham gia khảo sát cho biết họ áp dụng tiết kiệm chi phí sinh hoạt để vượt qua thời gian khó khăn do dịch bệnh

Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực mà dịch COVID-19 lần thứ 4 gây ra, rất nhiều người lao động đã phải nghỉ việc và chưa tìm được việc làm mới. Chính vì thế, biện pháp để đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách khó khăn này được 51,5% người lao động áp dụng là tiết kiệm lại chi phí sinh hoạt gia đình, tính toán chi tiêu hợp lý hơn.

Một biện pháp khác được 24,3% lựa chọn làm thêm bán thời gian một công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó 16,6% số người đã nghỉ việc và chưa có việc làm thêm đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tích lũy trong thời gian này. Một số người lao động đã chọn phương án về quê để giảm tiền phòng trọ trên thành phố. Những phương pháp khác được người lao động đưa ra như: Vay tiền để trang trải cuộc sống, đầu tư chứng khoán, đàm phán lương với công ty hiện tại, học nghề mới, tự kinh doanh riêng…

Gần 52% ứng viên tham gia khảo sát sẽ chuyển việc khi dịch COVID-19 kết thúc

Theo thống kê từ cuộc khảo sát, khi được hỏi về dự định trong tương lai, gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.

Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài…

Từ những kết quả nghiên cứu trên, VietnamWorks đưa ra đề xuất:

Đối với doanh nghiệp:

Nhận ra vai trò của doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch bệnh: Dù ở trong giai đoạn chống dịch hay ở hậu COVID-19, các doanh nghiệp nên duy trì vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc. Sau cơn bão này, doanh nghiệp nên lên kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và kiểm soát dịch bệnh dành cho người lao động. Khi đóng vai trò chủ trương, doanh nghiệp sẽ có thể tính được mức độ khả thi của các dự án hiện tại theo nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm cách làm việc từ xa, đưa ra chính sách hỗ trợ nhân viên kịp thời, ưu tiên cho sự linh hoạt giờ giấc...

Ưu tiên sự linh hoạt: Đây cũng là lúc doanh nghiệp nên có sự linh hoạt trong quá trình làm việc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp đang tái định hình và ở giai đoạn hồi phục ở hậu COVID-19. Đối với trạng thái bình thường mới, linh hoạt cũng là một trong những yếu tố then chốt làm nên sự thành công cho nhiều doanh nghiệp. Có thể liệt kê một số chính sách linh hoạt bao gồm: Chế độ làm việc linh hoạt – Linh hoạt trong quá trình làm việc, giao tiếp và tiếp nhận thông tin

Phát triển nguồn nhân lực theo định hướng mới: Dựa vào khảo sát, doanh nghiệp sẽ có một chiến lược mới để phát triển nguồn nhân lực dù ở trong thời gian giãn cách hay ở hậu COVID-19. Sau khi nền kinh tế hồi phục, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn hồi phục, đây cũng là lúc doanh nghiệp săn đón nhân tài với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau. Tuy nhiên, xã hội và nền kinh tế đang dần bước vào trạng thái bình thường mới, nên có lẽ người lao động cũng sẽ có những yêu cầu và nhận định mới trong quá trình tìm việc. Có thể, họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà ứng viên sẽ còn cân nhắc về chế độ làm việc và mô hình vận hành của một doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới để thu hút nhân tài khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục.

Đối với người lao động:

Thích ứng nhanh phương thức làm việc mới: Chế độ làm việc từ xa sẽ vẫn còn tiếp diễn đến khi chấm dứt được đại dịch, cuộc sống quay trở lại bình thường. Chính vì thế, người lao động hãy xem đây là chế độ làm việc chính thức và lâu dài chứ không phải là phương án ngắn hạn nhất thời của các công ty. Người lao động hãy thích nghi và cố gắng đảm bảo chất lượng công việc bằng những công cụ hỗ trợ làm việc từ xa hiệu quả.

Nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng: Thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên đường đua tìm kiếm việc làm. Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục, nhất là trong giai đoạn này. Để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ bây giờ, hãy tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng để nâng cao kinh nghiêm bản thân, tự tin đáp ứng được những yêu cầu cao của nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần linh hoạt trong quá trình tìm kiếm việc làm mới.

Nhật Xuân

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-can-thich-ung-linh-hoat-voi-dinh-huong-moi-thoi-hau-covid-19-a12029.html