Có nên cho bệnh viện tư nhân tham gia điều trị F0?

TP.HCM ghi nhận gần 40 nghìn ca mắc Covid-19 và trong 2 ngày qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Thành phố đã có giảm nhưng vẫn chưa thật sự khả quan.

trua1-1626851354.jpg

Tính từ 18 giờ 30 ngày 20/7 đến 6 giờ ngày 21/7, TP HCM ghi nhận thêm 1.739 trường hợp nhiễm COVID-19 mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 21/7. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 39.500 trường hợp mắc Covid-19. Điều này đã gây nên áp lực tại các bệnh viện điều trị cho các trường hợp nhiễm Covid-19.

Về câu hỏi có nên cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 hay không, chúng tôi có cuộc trò chuyện với PGS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, giám đốc y khoa Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ về vấn đề này.

Xin chào bà, về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ca mắc mỗi ngày đều tạo ra kỷ lục mới, mọi biện pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm giờ còn phù hợp không? Theo bà cần thay đổi như thế nào?

PGS Lê Thị Anh Thư: Mỗi giai đoạn dịch phải có một chiến thuật khác nhau. Trong tình hình hiện tại, chắc chắc chúng ta phải thay đổi chiến lược khác với trước đây. Việc truy vết hiện nay đã không còn hiệu quả, việc xét nghiệm diện rộng cho thấy mất quá nhiều nguồn lực mà tỉ lệ phát hiện rất thấp, do đó chỉ cần xét nghiệm theo từng khu vực nguy cơ. 

Việc phân vùng, cách ly luôn là rất cần thiết nhưng phải thay đổi chiến thuật cách ly sao cho giảm nguy cơ lây nhiễm đến mức thấp nhất. 

trua2-1626851359.jpg
PGS Lê Thị Anh Thư

Hiện TP HCM đẫ hướng dẫn cách ly F0 tại nhà với một số điều kiện. Biện pháp cần thực hiện như thế nào?

PGS Lê Thị Anh Thư: Chúng ta đã có hướng dẫn của Bộ Y tế rất cụ thể về việc cách ly F1 tại nhà. Việc cho phép F1 cách ly tại nhà trong giai đoạn hiện nay là một chủ trương rất đúng đắn, khi các cơ sở cách ly tập trung đều quá tải, không đảm bảo được việc phòng chống lây nhiễm giữa các F1, làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly tập trung F1. 

Theo tôi có thể áp dụng hướng dẫn này cho cả F0 có tải lượng virus thấp (CT>=30) chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Khi chưa có triệu chứng, hoặc có một số triệu chứng nhẹ, F0 cần được nghỉ ngơi, được ăn uống bồi dưỡng, được sống trong môi trường yên tĩnh, sạch sẽ, tâm lý thoải mái. Nếu họ không được như vậy sẽ dễ chuyển từ không triệu chứng hoặc từ nhẹ sang nặng. 

Nếu như chúng ta đưa cách ly tập trung mà không đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì sẽ làm tăng nguy cơ chuyển từ không triệu chứng thành bệnh, từ bệnh nhẹ sang bệnh nặng. 

Do đó, ngay khi có kết quả PCR dương tính với CT>=30 (tải lượng virus thấp, nguy cơ lây truyền rất thấp) thì có thể cho phép họ cách ly tại nhà ngay nếu họ đạt được các điều kiện như theo quy định đã ban hành cho F1. Nguy cơ F0 "vượt rào" trốn cách ly rõ ràng sẽ thấp hơn F1 vì lúc này người bệnh hiểu họ đang bệnh và có thể diễn tiến nặng nếu họ không tuân thủ hướng dẫn của y tế. 

Điều quan trọng là phải có tổ chức hướng dẫn hoặc có các dịch vụ cho các F0 biết cách theo dõi triệu chứng tại nhà để nhập viện sớm khi có diễn tiến bệnh.  Cung cấp cho người bệnh các hướng dẫn cụ thể, các công cụ, ví dụ máy đo SpO2 để có thể phát hiện sớm triệu chứng. Ở các nước, ví dụ ở Mỹ, cho phép các phòng khám tư nhân theo dõi điều trị bệnh nhân F0 nhẹ tại nhà và hướng dẫn bệnh nhân nhập viện sớm ngay khi bệnh diễn tiến.

Việc cho phép F0 nguy cơ thấp, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà sẽ giúp chúng ta giảm áp lực cho các bệnh viện, bảo vệ được nguồn lực y tế, để dồn sức điều trị cho các F0 nặng, giảm tỉ lệ bệnh chuyển nặng và tử vong do quá tải nguồn lực.

Ngoài ra, còn cần phải lưu ý vẫn còn rất nhiều bệnh nhân không phải Covid-19 đang cần chăm sóc y tế, đang thiếu sự theo dõi do thiếu nguồn lực y tế. 

Các BV điều trị Covid-19 đều rất quá tải, theo bà, có thể nên cho phép y tế tư nhân cùng vào cuộc để điều trị hoặc chăm sóc F0 dịch vụ không? 

PGS Lê Thị Anh Thư: Tôi nghĩ rất cần. Y tế tư nhân đã cùng chung tay với hệ thống công lập trong công tác sàng lọc, cách ly, xét nghiệm, tiêm ngừa vaccine phòng chống lây nhiễm SARS-COV-2. Họ đã tham gia đầy đủ các hoạt động không khác gì các bệnh viện công lập trong đại dịch này nên cũng đã có khá nhiều kinh nghiệm xử lý bệnh Covid-19. 

Ngoài ra, người bệnh Covid-19, ngoài việc phải cách ly triệt để do khả năng lây lan cao, họ cũng nên được quyền chọn bệnh viện để được đến điều trị và trả phí cho dịch vụ họ chọn nếu họ muốn. Nên mở cho các BV tư các chính sách, các hành lang pháp lý để họ có thể tham gia điều trị Covid-19 dịch vụ như cách họ đang điều trị cho các bệnh nhân khác, miễn là họ đảm bảo đúng các quy định về cách ly phòng ngừa.

Xin cảm ơn bà!

Ngọc Anh

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/co-nen-cho-benh-vien-tu-nhan-tham-gia-dieu-tri-f0-a11874.html