Thách thức trong kiểm soát dịch Covid-19 tại TP HCM

Trong cả tháng qua, dù TP.HCM đã chủ động, tích cực áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh nhưng vẫn gặp nhiều thách thức.

thuc1-1624931447.jpg

Theo thông báo của ngành y tế TP HCM, chỉ trong ngày 28/6 thành phố này có 218 ca mắc Covid-19, trong đó có 11 ca chưa rõ nguồn lây.

11 bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM chưa rõ nguồn lây phân bố tại các khu vực quận 4 (3), quận 5 (1); quận 10 (1); quận Tân Bình (3); Bình Chánh (2), Hóc Môn (1).

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trong đợt dịch lần thứ tư tại thành phố, tỷ lệ lây lan rất cao. Thời gian tới sẽ có khả năng còn nhiều ca mắc trong cộng đồng.

TP HCM đang áp dụng nhiều biện pháp cùng lúc như: Chỉ thị 10, Chỉ thị 15, phong tỏa, cách ly, hy vọng sẽ từng bước khống chế và giảm được tỷ lệ lây lan của bệnh.

Trong cả tháng qua, dù TP.HCM đã chủ động, tích cực áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh nhưng vẫn gặp nhiều thách thức.

Một trong những thách thức đó là TP HCM có nhiều chùm ca bệnh. Đầu tiên là chùm ca bệnh liên quan đến bệnh nhân 4514, thứ hai là chùm ca bệnh ở quán ăn O Thanh (quận 3). Đây là hai chùm ca bệnh có tốc độ lây lan ngắn và đã chấm dứt. Tuy nhiên, hiện nay, ở thành phố đang tồn tại các chùm ca bệnh liên quan đến biến chủng Delta, có tốc độ lây lan nhanh, lây trong không khí.

Ông Hưng cho biết chủng virus lần này có tốc độ lây lan rất kinh khủng. Trong cùng một gia đình có bao nhiêu người thì có từng đó người nhiễm bệnh.

Các chuỗi lây ghi nhận chủ yếu tại các hộ gia đình, nơi ăn uống chung, văn phòng cao ốc. Gần đây có thêm chuỗi lây lan trong hàng xóm, nhà máy, xí nghiệp, các khu vực chợ đông người.

Tình hình dịch tại TP.HCM đang khiến Bộ Y tế rất lo ngại. Theo đánh giá chung, thành phố có thể tiếp tục xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng nhưng không xác định được nguồn lây. Dịch bệnh tại đây đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm, việc tìm nguồn lây rất khó khăn.

thuc2-1624931447.jpeg
Xét nghiệm tại TP HCM

BS Trương Hữu Khanh cho biết các chuỗi lây ở TP HCM nhiều, không rõ nguồn lây và hiện chỉ phát hiện chuỗi lây qua truy vết.

Việc số ca nhiễm tăng cao cũng là do biến chủng Delta đến từ Ấn Độ, có thời gian ủ bệnh ngắn, thậm chí có ca mới chỉ 30h tiếp xúc đã có triệu chứng và xét nghiệm dương tính. Ủ bệnh càng ngắn thì chu kỳ lây lan càng nhanh.

BS Khanh cho biết hiện TP HCM cần đi trước virus một bước. TP đã cho tăng cường xét nghiệm và xét nghiệm song song test nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PCR. Tăng cường xét nghiệm cần đi đôi với trả kết quả nhanh - BS Khanh nhấn mạnh.

Trả kết quả chậm giờ nào là nguy hiểm giờ đó vì người đi xét nghiệm có thể làm lây thêm cho người khác.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tại vùng có ổ dịch, lực lượng y tế sẽ sử dụng test nhanh kháng nguyên đối với các trường hợp tiếp xúc gần. Sau khi có kết quả test nhanh, người có kết quả dương tính sẽ được cách ly ngay, sử dụng xét nghiệm PCR mẫu đơn.

Với người có test nhanh âm tính, lực lượng y tế sẽ xét nghiệm mẫu gộp nhằm xác định kết quả chắc chắn âm tính với SARS-CoV-2.

Trong tình hình dịch bênh như hiện nay, BS Khanh khuyến cáo không riêng người dân TP.HCM mà tất cả các nơi cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch, càng ở chỗ đông người càng cần phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tuân thủ 5K…

 

N.Anh

Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/thach-thuc-trong-kiem-soat-dich-covid-19-tai-tp-hcm-a11759.html