Trong một khảo sát khác có tên “Nghiên cứu Thực trạng nhận thức của học sinh – sinh viên về ma túy” được Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) thực hiện cách đây chưa lâu, một con số đưa ra khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, có đến 43,9% số học sinh tham gia khảo sát cho rằng bản thân không biết gì về dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy, gần 40% khẳng định rằng mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh ma túy.
Qua khảo sát cụ thể hơn, có tới 75,9% học sinh không hiểu biết đúng về khái niệm ma túy. Nhận thức của học sinh về khả năng gây nghiện của các chất ma túy tổng hợp và một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít học sinh nắm bắt đúng, đầy đủ, chỉ có 56,4% cho rằng ma túy là chất có thể gây nghiện, đối với bóng cười, tỉ lệ này là 15,7%; keo chó là 19,7%.
Bên cạnh đó, cũng có đến 84,0% các bậc phụ huynh mong muốn con được tham gia đào tạo về “Kỹ năng ứng phó với tình huống nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng ma túy” và “Kỹ năng nhận biết được sự nguy hiểm của ma túy” cũng được phụ huynh đánh giá cao, cần có chương trình đào tạo, chiếm đến 80,2%.
Ngoài những hạn chế về sự hiểu biết của các em học sinh và phụ huynh, truyền thông phòng chống ma túy hiện nay hầu như không phù hợp với tâm lý lứa tuổi người tiếp cận, sử dụng các thuật ngữ chưa phù hợp. Các phương pháp, công cụ truyền thông chưa phát huy được hiệu quả cao, tần suất tuyên truyền chưa dày, chưa nổi bật được tác hại và việc hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa.
Công tác tuyên truyền mặc dù đã được triển khai song còn mang tính hình thức, nội dung, thời lượng, phương pháp chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể. Đặc biệt là chưa chú trọng đến nhóm có nguy cơ sử dụng ma túy cao, trong giới trẻ đặc biệt là học sinh và sinh viên đang theo học tại các nhà trường. Trong học sinh và sinh viên còn thiếu hiểu biết về ma túy và thiếu kiến thức cùng kỹ năng phòng chống ma túy.
Trước thực trạng này, rất cần ứng dụng chương trình truyền thông mới, lấy học sinh làm trung tâm, lồng ghép với các hoạt động trò chơi “học mà chơi – chơi mà học”, có những công cụ truyền thông hấp dẫn và đặc biệt đó là học sinh sẽ được giao lưu, chia sẻ và nhận được lời tư vấn từ chính những người đã từng sử dụng ma túy chia sẻ về cuộc đời, những mất mát và những tác hại mà ma túy gây ra cho bản thân và cuộc sống của họ như thế nào để từ đó học sinh có cái nhìn toàn diện và khách quan về ma túy, tác hại của ma túy.
Đồng thời, cần xây dựng tài liệu, công cụ truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông. Ngoài tài liệu dành cho học sinh thì tài liệu phù hợp cho các bậc cha mẹ, giáo viên và người quản lý cũng rất cần thiết nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng trong công tác hỗ trợ con em khi có những dấu hiệu nghi ngờ sử dụng ma túy để xử lý kịp thời.
Nắm được yêu cầu bức thiết này, Viện PSD đã tiến hành xây dựng Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” thông qua việc biên soạn, bảo vệ, in ấn và phát hành Bộ tài liệu dạy kỹ năng phòng chống ma túy.
Đối tượng cần quan tâm nhất của Dự án cũng như Bộ tài liệu là thế hệ trẻ học đường, các em học sinh từ cấp Trung học cơ sở trở lên. Các em học sinh cần được trang bị kiến thức để nhận biết ma túy, tác hại của ma tuý và những kỹ năng cần thiết để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn ma tuý.
Ngoài những thông tin từ các cuốn sách được biên soạn phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi, các em học sinh còn được sự hướng dẫn từ thầy cô, cha mẹ, để có thể tự thân xây dựng cơ chế phòng vệ ngay từ trong suy nghĩ của mình để không tò mò, sử dụng ma tuý, dù chỉ một lần và tránh xa các thủ đoạn lừa gạt, cưỡng ép của các đối tượng tội phạm ma tuý.
Các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh cũng có những cuốn sách dành riêng cho mình để tăng cường nhận thức về ma túy, tác hại của ma tuý, kỹ năng dạy học sinh, con em phát hiện sớm những biểu hiện liên quan đến ma tuý và cách xử lý khi phát hiện con em mình sử dụng, hoặc nghiện ma tuý.
Bộ tài liệu được chia thành 04 cuốn, với cấp độ tăng dần về lượng kiến thức, thông tin nhằm nhận diện các loại ma túy, dấu hiệu nhận biết các loại ma túy và bản chất hóa học cũng như cách thức tác động của ma túy lên não bộ; cũng là cuốn tài liệu hướng đến nhóm đối tượng là người có trình độ cao (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục) thì hệ thống kiến thức càng quy mô, lý giải khoa học kỹ càng.
Sang đến phần kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến ma túy, ở mỗi cấp độ sẽ cung cấp cách thức xử lý tình huống cũng như yêu cầu sự chủ động trong giải quyết tình huống càng nâng cao, nhằm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi cũng như khả năng nhận thức của đối tượng hướng đến. Bốn cuốn tài liệu bao gồm:
• Cuốn 1: Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh Trung học cơ sở
• Cuốn 2: Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh Trung học phổ thông
• Cuốn 3: Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh
• Cuốn 4: Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý
Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” của Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy PSD biên soạn, xuất bản và phát hành hướng đến 02 mục đích chính:
Trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.
Hướng tới mục tiêu dự phòng sử dụng ma túy, dự phòng nghiện ma túy cho thế hệ trẻ là học sinh cấp 2, học sinh cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như hỗ trợ phụ huynh, thầy cô trở thành những người đồng hành cùng các con trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy.
Ngoài ra, bộ tài liệu còn có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy nói riêng, những nhà công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… để hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khách hàng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đối tượng khác với những vấn đề liên quan đến ma túy và hành vi sử dụng ma túy.
Trang Nguyễn
Link nội dung: https://doanhnghiepvaphapluat.vn/lan-dau-tien-co-bo-tai-lieu-ky-nang-phong-chong-ma-tuy-danh-cho-phu-huynh-va-hoc-sinh-a11736.html